Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hội nghị giao ban lần 2 các sở GD-ĐT: Chấm chéo sẽ dẫn đến tâm lý “sát phạt” lẫn nhau?

Tạp Chí Giáo Dục

“Mỗi học sinh (HS) bỏ học như một “nỗi đau”. Đó là ví von của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong Hội nghị giao ban lần 2 các sở GD-ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm học 2008 – 2009 tổ chức ngày 17-3, tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang. Có chút lạc quan trong báo cáo của các sở GD – ĐT, “nỗi đau” này không  còn bức xúc như trước.
Cộng đồng trách nhiệm để giảm”nỗi đau”
Lần đầu tiên, HS lớp 12 phân ban thi tốt nghiệp đại trà. Quy chế mới khiến nhiều HS lo lắng. (Ảnh: HS An Giang tham dự chương trình tư vấn hướng nghiệp của Báo SGGP, ĐH An Giang). Ảnh: KIÊN GIANG
Theo thống kê, tỷ lệ HS yếu kém, HS bỏ học của học kỳ 1 năm học 2008 – 2009 có giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tỷ lệ giảm chưa nhiều và tăng dần theo bậc học. Tỷ lệ HS yếu kém bậc THPT ở một số tỉnh còn khá cao, như Bạc Liêu: 49,88%, Cà Mau: 40,1%, Hậu Giang: 47,98%, Sóc Trăng: 43,28%, Trà Vinh: 47,67% HS THPT yếu, kém.
Ông Mai Văn Nhân, Phó GĐ Sở GD-ĐT Sóc Trăng bộc bạch: Tỷ lệ nghỉ, bỏ học của tỉnh còn cao so với các tỉnh bạn (tiểu học: 0,15%, THCS: 1,8%, THPT: 3,3%) nhưng chúng tôi rất vui. Ở những năm trước, tỷ lệ này lên đến 5%, thậm chí có nơi 10%.
HS yếu, kém dẫn đến bỏ học xuất phát từ những nguyên nhân căn bản, không khác so với nhận định trong đợt giao ban lần 1 tổ chức vào tháng 11-2008. Đó là do HS không theo kịp chương trình, kinh tế khó khăn, khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, suy thoái kinh tế khiến nhà máy đóng cửa, cha mẹ dẫn con đi tha phương.
Tuy nhiên, các tỉnh đã có những sáng kiến, đột phá để giảm số nghỉ, bỏ học, bởi HS nghèo bỏ học là trách nhiệm của cả xã hội chứ không riêng gì của ngành GD-ĐT. Trường học nắm số lượng, nguyên nhân HS nghỉ, bỏ học kết hợp với chính  quyền hỗ trợ nâng cao đời sống cho HS gia đình nghèo, tạo điều  kiện  cho HS ra lớp.
Cần hết sức chi tiết trong hướng dẫn chấm thi
Dù trên tinh thần Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2009 đã ban hành, không thể sửa đổi nhưng các các đại biểu cũng dành khá nhiều thời gian góp ý cho quy chế thi. Nhiều đại biểu cho biết không thể tổ chức thi theo cụm cho tất cả các trường do thực tế  đi lại khó khăn, vì vậy nhiều trường phải thi riêng lẻ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, GĐ Sở GD-ĐT An Giang đặt dấu chấm hỏi về sự công bằng khi thực hiện chấm chéo giữa các tỉnh. Ông kể lại “bài học” của tỉnh: An Giang đã tổ chức chấm chéo từ 10 năm trước. Khi đó, các trường có tâm lý muốn mình cao hơn trường khác dẫn đến tâm lý “sát phạt” nhau. Tỷ lệ bài thi đạt yêu cầu giảm gần 50%. Do vậy, chúng tôi buộc phải trộn 50% bài của các trường, GV không chỉ chấm trường bạn mà còn chấm HS của mình.
Khi làm như thế, tỷ lệ trở về bình thường. Kiểm tra những bài chấm cũ, chúng tôi thấy điểm thấp là do người chấm quá bám sát vào đáp án, vào câu chữ, không có sự  rộng lượng. Tôi đề nghị bộ tập trung về một hội đồng chấm, các giám khảo sinh hoạt chung đáp án, chấm thử như nhau. Nếu sợ tốn kém thì trộn 50% bài thi giữa hai tỉnh chấm chéo, buộc GV phải chấm công bằng, khách quan, không sát phạt HS, làm  thiệt thòi HS.
Đổi mới thi cử đang được làm theo lộ trình, bên cạnh mặt khách quan cũng nên lường những mặt trái của chấm chéo, ai đảm bảo được sẽ không còn tính  cục bộ địa phương? Nhiều tỉnh đồng tình với lo lắng của An Giang và đề xuất với Bộ GD-ĐT nên tổ chức chấm theo 2- 3 cụm đảm bảo tính khách quan.
Ông  Trần Thanh Đức, GĐ Sở GD-ĐT Tiền Giang đề nghị cần phải có hướng dẫn chấm hết sức chi tiết để không có tranh luận gay gắt, không có yếu tố may rủi giữa tỉnh này, tỉnh kia do sự thiếu thống nhất đáp án, nhận thức khác nhau. Bà Phan Thị Thu Hà, Phó GĐ Sở GD-ĐT Đồng Tháp lưu ý: Bộ GD-ĐT cần quy định font chữ thống nhất giữa miền Bắc, miền  Nam,  tính toán thời gian chấm để công bố kịp kết quả cho HS chuẩn bị thi ĐH.
Cà Mau: Nhiều HS bỏ học vì không có tiền đi đò
Theo GĐ Sở GD-ĐT Cà Mau, NGND Thái Văn Long: HS đi đò tốn 150.000 mỗi tháng, gia đình nghèo, HS càng khó đến trường. Theo thống kê, Cà Mau có 30.000 HS đi học bằng đò, trong đó có 9.000 HS khó khăn và đã có 392 HS nghỉ học vì không có tiền đi đò. Sở GD-ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh Cà Mau tìm cách hỗ trợ phương tiện cho HS đến trường.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân gợi ý Cà Mau nên thống kê cần xây bao nhiêu cầu cho HS, có thể kêu gọi xã hội hóa xây cầu.
HỒNG LIÊN (SGGP)

Bình luận (0)