Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hội nghị giao ban lần thứ nhất cụm thi đua Bắc Trung bộ: Nhiều vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ năm học được tháo gỡ

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2008-2009 được xem như bản lề của sự xoay chuyển mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo. Để có được bước chuyển toàn diện từ tư duy, cơ sở vật chất đến nguồn lực con người, chiến lược đào tạo, rất cần một sự đồng thuận cao, gắn bó trách nhiệm của toàn ngành. Tại Hội nghị giao ban cụm thi đua Bắc Trung bộ lần thứ nhất năm học 2008-2009 vào ngày 1/12/2008 vừa qua tổ chức ở Quảng Trị, khá nhiều ý kiến thể hiện quyết tâm cao trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ năm học.

> Hội nghị giao ban các sở GD-ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Vẫn nhức nhối chuyện học sinh bỏ học

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, GS.TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT khẳng định những thành tựu đạt được trong năm học qua, đặc biệt là bước đột phá của cuộc vận động “Hai không”, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các thầy cô giáo, HS, SV, một thái độ nghiêm túc dạy thật, học thật, thi thật đạt kết quả cao được xã hội ghi nhận. Việc chống tiêu cực trong thi cử không chỉ đánh giá đúng trình độ của GV, của HS mà còn là yếu tố quan trọng góp phần củng cố nhận thức, quyết tâm khắc phục yếu kém, tìm được những giải pháp để GD phát triển nhanh, hội nhập với thế giới. Nhiều hội thảo về đào tạo theo nhu cầu xã hội đã diễn ra. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức và triển khai sâu rộng hướng đến hành động cụ thể: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức và tự học” được toàn ngành tích cực hưởng ứng… Những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2008- 2009 mà Bộ GD&ĐT đã đề ra trong chỉ thị 47 đã được Thứ trưởng định hướng những điểm mấu chốt để các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị, vì theo Thứ trưởng, Hội nghị giao ban lần này có ý nghĩa quan trọng, ngoài nội dung thường kỳ, cần tập trung thảo luận thống nhất nhiều vấn đề, hướng đến các tiêu chí, các nội dung cơ bản để đầu tư công sức hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Năm học 2007-2008, mặc dù bão lũ liên tiếp gây hậu quả nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng trường học, thiết bị và đời sống HS gặp nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống kiên cường và hiếu học, 6 tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc 14/14 chỉ tiêu công tác. Giáo dục cụm thi đua Bắc Trung bộ vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế, Bộ GD&ĐT tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua cho giáo dục các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Bước vào năm học 2008-2009, giáo dục và đào tạo 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã quán triệt và triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ và các nhiệm vụ, giải pháp của GD từng địa phương, phù hợp với điều kiện thực tiễn vùng, miền. Đến tháng 11/2008, giáo dục 6 tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ năm học đúng quy định, quy trình. Tình hình dạy-học và hoạt động có nền nếp; quy mô, mạng lưới trường lớp ổn định. Kỉ cương học đường được giữ vững. Các sở GD&ĐT đã và đang tập trung hệ thống giải pháp chất lượng để nâng cao chất lượng GD, đồng thời triển khai thực hiện chủ đề năm học bằng cách làm, giải pháp tích cực, sáng tạo và quyết tâm cao.

Sau báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2008-2009 khá chi tiết, cụ thể của NGND Lê Phước Long, GĐ Sở Quảng Trị, lãnh đạo Sở GD&ĐT ở cả 6 tỉnh thành đều lần lượt phát biểu, đóng góp ý kiến một cách tích cực. Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá, ông Lê Xuân Đồng đã nêu lên những dẫn chứng khá thuyết phục cho sự phát triển toàn diện, vững chắc của GD Thanh Hoá, đặc biệt là sự đột phá về chất lượng mũi nhọn, chất lượng HS thi vào đại học trong năm qua. Một kiến nghị đáng chú ý của lãnh đạo Sở Thanh Hoá là đề nghị Quốc hội sớm ban hành quy chế mới về học phí, có sự minh bạch, rõ ràng vì vấn đề này đang gây lúng túng, khó khăn cho hầu hết các cơ sở GD. Trong ý kiến phát biểu của mình, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, đây là năm học có sự chỉ đạo quyết liệt nhất của các cấp, các ngành trong tỉnh về cuộc vận động “ Hai không”, đặc biệt là sự đầu tư của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế. Một vài trăn trở mà lãnh đạo Sở Thừa Thiên- Huế nêu lên cũng được lưu ý: Những năm đầu thực hiện cuộc vận động “Hai không” Bộ có nên công bố kết quả xếp hạng thi tốt nghiệp hay không vì sau khi có kết quả xếp hạng, khá nhiều áp lực từ phía HĐND, UBND tỉnh đối với đội ngũ. Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế rất nỗ lực để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc. Bộ cũng nên tiếp tục có những cải tiến hơn nữa trong quy trình tổ chức thi. Một vấn đề nổi cộm mà lãnh đạo Sở Nghệ An nêu lên được các đại biểu đặc biệt chú ý, đó là sự bất cập về mạng lưới phát triển trong thời điểm hiện tại: Từ năm học 1997-1998 đến nay số HS tiểu học của tỉnh giảm đi một nửa, tương đương với 700 GV tiểu học không có việc làm. Riêng năm học 2007-2008 giảm 2 vạn HS trung học cơ sở. Từ nhiều năm nay, Nghệ An liên tục điều chỉnh về mạng lưới nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng GV dôi dư. Kế hoạch giảm biên chế vừa qua đã giải quyết được trên 4000 trong tổng số 5300 GV không đạt yêu cầu. Khối các huyện, thành phố giải quyết tình trạng GV theo thông tư 35 là rất khó. Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Sở GD Quảng Bình cũng dẫn chứng được những thành tựu đáng kể ở nhiều lĩnh vực, vượt lên những khó khăn về thiên nhiên, về điều kiện kinh tế – xã hội. Con số 201 HS bỏ học của Hà Tĩnh đã chứng tỏ một sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành trong hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng HS bỏ học. Tỉ lệ 100% các trường cấp 2, 3 có phòng máy vi tính phục vụ cho dạy và học, 67% trường THCS dạy tin học cho HS, số vốn 1359 triệu đầu tư cho kiên cố hoá trường học của Quảng Bình là những số liệu rất thuyết phục. Những trăn trở của của Sở Hà Tĩnh nêu lên rất sát với thực tiễn, có tính điển hình cho những khó khăn, vướng mắc mà toàn ngành đang tìm cách tháo gỡ, như việc chuyển đổi mô hình trường, cải tiến quy trình chấm thi, ra đề, thu học phí, phổ cập trung học, đào tạo GV theo nhu cầu xã hội. Cũng những trăn trở ấy, Sở Quảng Bình đưa ra một số sáng kiến trong đẩy mạnh phong trào thi đua, phong trào xây dựng trường học thân thiện, như việc xếp hạng thứ bậc cả 147 trường, thống kê các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh và viết thành sách cho HS đọc…

Tất cả những băn khoăn, đề xuất tại Hội nghị đã được các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng chia sẻ và giải đáp khá rạch ròi, cụ thể. Trong không khí cởi mở, với quyết tâm cao, lãnh đạo của cả 6 tỉnh đã ký cam kết thi đua với 7 nội dung phấn đấu đạt thành tích cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ năm học. Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bành Tiến Long đánh giá cao sự cố gắng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ đầu năm học đến nay, đặc biệt là việc triển khai nghiêm túc cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” song song với hướng đến “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Thứ trưởng cũng chỉ ra một số tồn đọng cần phải tiếp tục khắc phục, để hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của cuộc vận động “Hai không”, tạo niềm tin cho toàn xã hội.

Nguyễn Thị Thuý Hồng

Theo Giáo dục & Thời đại

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)