Tăng cường chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, công nhân mất việc làm, đồng thời cân đối giữa thâm hụt ngân sách với các gói kích thích kinh tế… là những khuyến nghị được các nhà tài trợ đưa ra tại Hội nghị giữa kỳ nhóm các nhà tài trợ cho VN khai mạc ngày 8-6 tại Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.
Từ trái qua: đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman, giám đốc WB tại VN Victoria Kwakwa và đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt Hansen trao đổi bên lề hội nghị – Ảnh: T.T.D.
|
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và trên 500 đại biểu đại diện các nhà tài trợ quốc tế, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp… tham dự hội nghị.
Nhật sẽ tài trợ vài trăm triệu USD
Ông Ayumi Konishi (giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB tại VN): Vẫn còn 3,5 tỉ USD chưa giải ngân
Trong quá trình hỗ trợ để phục hồi kinh tế, Chính phủ cần kiểm soát tình hình thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai, đảm bảo chế độ tỉ giá và tiền tệ ổn định. Có dấu hiệu cho thấy lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai tăng trở lại. Chúng tôi ủng hộ cách quản lý chính sách tiền tệ chặt chẽ, chú trọng sự ổn định và nỗ lực bình ổn tỉ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước.
Cần quan tâm đặc biệt đến người nghèo ở khu vực nông thôn, vì tình trạng thiếu việc làm có thể tiếp tục gia tăng do những người lao động mất việc ở thành thị trở về quê. Một trong những biện pháp thúc đẩy kinh tế hiệu quả nhất, theo tôi là đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đã được phê duyệt. Riêng nguồn vốn của ADB vẫn còn 3,5 tỉ USD chưa giải ngân.
|
Tại hội nghị, đại sứ Nhật Bản tại VN Mitsuo Sakaba khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng nguồn tài trợ ODA cho VN, không chỉ là khoản hỗ trợ toàn diện mà còn là những khoản hỗ trợ tài chính, kỹ thuật riêng biệt. Theo ông Mitsuo Sakaba, Nhật Bản sẽ cùng với VN hợp tác những chương trình bảo vệ môi trường và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Mitsuo Sakaba cho biết đầu tháng 7-2009 sẽ công bố chính thức số tiền tài trợ mới lên đến vài trăm triệu USD cho một số dự án. “Hiện nay chúng tôi còn đang lựa chọn trong khoảng 30 dự án của VN. Trong đó, hầu hết là về phát triển cơ sở hạ tầng như dự án phát triển đường, sân bay Nội Bài…” – ông Mitsuo Sakaba nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại sứ Ý tại VN cũng bày tỏ mối quan tâm đến tăng nguồn tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho VN. Theo đại sứ Andrea Perugini, một số ngân hàng và định chế tài chính của Ý muốn tài trợ cho lĩnh vực này nhưng VN cần công bố rõ ràng chính sách khuyến khích đầu tư giữa công và tư đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhằm hướng đến chất lượng đầu tư cao hơn.
Không đủ thông tin
Các nhà tài trợ quốc tế hoan nghênh chương trình kích cầu, kích thích kinh tế 8 tỉ USD của VN nhưng cũng khuyến cáo ngay về nguy cơ thâm hụt ngân sách. Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói: “Chúng tôi ước tính kế hoạch kích thích kinh tế hiện tại đã trình Quốc hội có khả năng làm tăng nhu cầu tài trợ lên đến 12,5% GDP trong năm 2009. Khó có thể tài trợ lớn như vậy mà không làm tăng áp lực lên cán cân thanh toán. Vì vậy, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô chỉ nên giới hạn mức 8,5% GDP”.
Theo IMF, khoản này không chỉ tài trợ cho kế hoạch ngân sách 2009 mà còn cả các khoản chi ngoài ngân sách như chi cho cơ chế hỗ trợ lãi suất. Vì thế đại diện IMF tại VN khuyên: “Việc tăng chi ngân sách đã dự tính theo kế hoạch kích thích kinh tế cần phải được kiềm chế, các chính sách hỗ trợ lãi suất và thuế cần loại bỏ sớm hơn dự định”.
Đại diện các bộ Giáo dục – đào tạo, Lao động – thương binh & xã hội, Y tế, Nông nghiệp & phát triển nông thôn lần lượt báo cáo về sự thành công của những chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trong những năm qua cũng như trong chương trình kích cầu vừa qua của Chính phủ. Theo Bộ Lao động – thương binh & xã hội, năm vừa qua đã có 67.000 người lao động mất việc và dự báo năm 2009 con số phải lên đến hàng trăm nghìn người.
Rất nhiều nhà tài trợ cho rằng không đủ thông tin để thấy được nguồn tiền Chính phủ bỏ ra hỗ trợ người nghèo khu vực nông thôn và những công nhân mất việc làm ở thành thị phải quay về quê. Tuy nhiên, các nhà tài trợ cho rằng cần có một chương trình khảo sát điều tra các hộ gia đình, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nghiêm túc sâu rộng và hiệu quả hơn để nguồn viện trợ có thể đến được với những người nghèo – bộ phận dễ bị tổn thương nhất xã hội khi khủng hoảng xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh chính sách của Chính phủ VN là luôn hướng đến người nghèo nhưng ông cũng đồng ý cần phải có một cuộc điều tra chi tiết, chính xác hơn về mức sống hộ gia đình ở VN. Theo Bộ trưởng Phúc, Bộ Kế hoạch – đầu tư đang thực hiện một chương trình cải tiến công tác điều tra thống kê nên sắp tới sẽ cung cấp những số liệu cập nhật và chính xác hơn. Ông cũng mong các nhà tài trợ quan tâm hơn đến việc tài trợ cho những chương trình, dự án xã hội ở VN bởi nguồn lực Chính phủ có hạn.
Theo chương trình làm việc, hôm nay 9-6, các đại biểu sẽ đi thực tế tại một số dự án được tài trợ bởi nguồn vốn ODA ở Đắc Lắc.
L.N.MINH – H.GIANG
Ông Jairo Acuna-Alfaro (cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển LHQ): Cần một lộ trình công khai hóa
Cải cách hành chính và chống tham nhũng là hai tiến trình bổ sung hợp sức cho nhau. Tự thân cả hai đều có chung mục tiêu là tăng hiệu quả các quy trình hành chính, làm rõ luật lệ và trách nhiệm, gia tăng tính giải trình.
Một hệ thống hành chính công mạnh sẽ phải minh bạch hơn và dễ tiếp cận thông tin hơn. Bằng cách đó sẽ giảm cơ hội cho tham nhũng vì tham nhũng sẽ khó khăn hơn. Cải cách hành chính thành công sẽ tạo nền tảng tốt cho việc chống tham nhũng.
Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ hướng đến thiết lập một lộ trình công khai hóa, trong đó nêu thật chi tiết những gì mà các cơ quan/ngành phải công khai, việc công khai hóa đó phải được thực hiện trong một thời hạn nào và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan/ngành đó như thế nào để có thể bắt đầu việc công khai hóa một cách hữu hiệu.
Các khu vực cũng cần có lộ trình công khai hóa thật chi tiết nhằm tăng tính công khai. Từ vị trí Liên Hiệp Quốc, chúng tôi tin rằng chống tham nhũng hiệu quả nhất khi mở rộng cho các thành phần ngoài Nhà nước tham gia.
Các thành phần rộng rãi trong xã hội, kể cả báo chí và các tổ chức xã hội, đều có thể có những đóng góp giá trị vào công việc này. Có thể thiết lập các cơ chế cho công chúng khiếu nại và bảo vệ họ.
Kinh nghiệm trên thế giới đã cho thấy công cuộc chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn khi có các thành phần khác trong xã hội tham gia cải thiện tính công khai, giám sát mạnh mẽ hơn, thực thi tốt hơn. Tất cả nhằm làm cho hệ thống trở nên có trách nhiệm giải trình hơn, để cải tiến việc phục vụ dân chúng và quản lý kinh tế.
DANH ĐỨC ghi
|
(theo TTO)
Bình luận (0)