Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Hội nghị khu vực về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng ngày 11/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trung tâm khu vực của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) về học tập suốt đời tại Việt Nam. Tham dự Hội nghị có Ngài Noorhaizamdin Abdullah, Phó giám đốc Ban thư ký Tổ chức SEAMEO; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước thành viên Việt Nam, Brunei, Malaysia, Phillippines…; đại diện tổ chức ASEM, tổ chức UNESCO tại Hà Nội và đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
 Hội nghị khu vực về HTSĐ và xây dựng XHHT ở Việt Nam
(Ảnh: Thanh Hải)
Phát biểu tại hội nghị, Ngài Noorhaizamdin Abdullah đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy học tập suốt đời. Các đại biểu tới từ các nước thành viên SEAMEO như Indonesia, Malaysia, Philippines…đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về học tập suốt đời tại đất nước mình cũng như kinh nghiệm hoạt động của một số trung tâm của SEAMEO như Trung tâm RETRAC tại Thành phố Hồ Chí Minh…Hội nghị cũng đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các nước thành viên để thúc đẩy học tập suốt đời cũng như định hướng hoạt động sắp tới của Trung tâm khu vực của SEAMEO về học tập suốt đời đặt tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo  cáo và thảo luận  về thực trạng về học tập suốt đời – xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam. Ở Việt Nam, tư tưởng về học tập suốt đời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập. Nguời đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta đuợc hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”; “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn”; “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”.
Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khẳng định vị trí, vai trò và sự cần thiết của giáo dục cho mọi người.
Ngày 18/5/2005 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010 với tiêu chí tổng quát là: “Tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập và tích cực tham gia xây dựng XHHT”.
Với phương châm đó, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục phát triển trên nền tảng xây dựng XHHT ở Việt Nam đã và đang vận động đúng quỹ đạo của xu thế chung và đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng, đáng khích lệ. Các cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm tốt hơn cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
Đến nay,  cả nước đã có 57/63 tỉnh thành phố (90,47%) đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi; 63/63 tỉnh (100%) đạt chuẩn phổ cập GDTHCS. Số năm học trung bình của người dân từ 15 tuổi trở lên là 9,6 năm. Sự khác biệt về trình độ học vấn giữa nam và nữ ngày càng được thu hẹp. Về cơ bản, Việt Nam đã đạt được sự bình đẳng nam nữ trong giáo dục.
Giáo dục mầm non tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng tạo được những chuyển biến rõ nét: Hệ thống mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố và phát triển với quy mô mỗi năm tăng hàng trăm trường. Nhiều giải pháp nhằm huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường là 3.710.479 trẻ, trong đó trẻ em độ tuổi mẫu giáo đạt tỷ lệ huy động là 80,9%, nhà trẻ là 21,2%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường là 1.305.715 trẻ, chiếm 99,9% trẻ trong độ tuổi và có 69% trẻ được tổ chức nuôi bán trú tại trường.
Ở bậc giáo dục phổ thông, cấp tiểu học: Hệ thống trường lớp đã được phát triển và mở rộng đến địa bàn xã, thôn bản đã góp phần cải thiện điều kiện cho học sinh đến trường, nhất là học sinh những vùng khó khăn về điều kiện địa lý. Năm học 2010 – 2011 cả nước có 7.027.100 học sinh tiểu học, trong đó, số trẻ em 6 tuổi được vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,80%. Tỷ lệ nhập học của con em đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm đều tăng (trên 5% sau 5 năm học).
Cấp Trung học cơ sở: Hệ thống trường, lớp được mở rộng ở các địa bàn cấp xã, kể cả những vùng khó khăn. Hiện nay, cả nước có 10.680 trường THCS, tăng 104 trường (0,98%) so với năm trước; trong đó có 1.636 trường đạt chuẩn quốc gia (16,26%). Ngoài ra, cả nước có 620 trường phổ thông liên cấp TH và THCS; 319 trường phổ thông liên cấp THCS và THPT cũng là những địa chỉ học tập của học sinh THCS. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2009 – 2010 có 5.214.045 học sinh từ 11 – 14 tuổi (đạt 89,31%), tăng 0,4% so với năm trước, trong đó tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 83,08%.
Cấp Trung học phổ thông: Trong những năm gần đây, mạng lưới các trường THPT phát triển khá mạnh ở các địa bàn cấp huyện. Hiện nay, cả nước có 2288 trường THPT, bình quân mỗi huyện có khoảng 3,37 trường, có 292 trường đạt chuẩn quốc gia (12,76%). Năm học 2010 – 2011 có 2.835.025 học sinh.
Ở bậc Giáo dục chuyên nghiệp: Hiện có 286 trường trung cấp chuyên nghiệp và hàng trăm trường cao đẳng, đại học có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Cơ cấu ngành nghề ngày càng được mở rộng theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Quy mô tuyển sinh hàng năm tăng đáng kể ( năm 2005 có 500.000 học sinh, đến năm 2010 đã có 703.326 học sinh).
Bậc Giáo dục Đại học: Hệ thống trường cao đẳng, đại học phát triển khá nhanh. Năm học 2010 -2011, cả nước có 226 trường cao đẳng (196 trường công lập) và 188 trường đại học (103 trường công lập). Quy mô tuyển sinh ngày càng tăng, hiện có hơn 2 triệu sinh viên, đạt tỷ lệ 200 sinh viên trên một vạn dân.
Đối với Giáo dục thường xuyên, năm học 2010 – 2011, cả nước có 29.469 người học chương trình xóa mù chữ; 22.003 người học chương trình giáo dục tiểu học sau khi biết chữ, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 – 35 đạt 98,65%, từ 36 tuổi trở lên đạt 96,71%; 69.933 học viên bổ túc THCS; 262.241 học viên bổ túc THPT; 226.531 người được đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ ngoại ngữ; 258.325 người học các lớp nghề ngắn hạn.
Những thành tựu của giáo dục Việt Nam đã khẳng định vai trò quyết định của giáo dục trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nhờ đó mà chỉ số phát triển con nguời (HDI) của Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tạo điều kiện cho đất nước tự tin tham gia quá trình hội nhập quốc tế./.
Theo Tuấn Anh – Thanh Hải
(NDDT)

Bình luận (0)