Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị khai mạc hội nghị thượng đỉnh lớn nhất trong lịch sử của khối với sự tham dự của khoảng 50 quốc gia, bao gồm cả thành viên và khách mời.
Chủ đề nổi bật hàng đầu trong chương trình nghị sự là vấn đề Afghanistan và việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của các nước thành viên do khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Đối với nước chủ nhà Mỹ, cuộc gặp thượng đỉnh trong hai ngày 20-21/5 có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó được tổ chức tại Mỹ sau 13 năm và diễn ra không chỉ trong năm bầu cử mà còn ngay tại thành phố Chicago – quê hương của Tổng thống Barack Obama. Chỉ còn 6 tháng nữa đến ngày tổng tuyển cử, đây sẽ là cơ hội để ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng khẳng định mình là nhà lãnh đạo của cường quốc số một thế giới. Vì vậy, giới phân tích nhận định chính quyền Obama sẽ tạo sức ép để hội nghị thông qua những vấn đề nền tảng cơ bản của liên minh, vốn được xem là rất phức tạp và khó có giải pháp trọn vẹn.
Chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự và đã tồn tại nhiều năm là vấn đề Afghanistan. Ưu tiên của NATO là hoàn tất việc rút quân khỏi điểm nóng này theo lộ trình từ nay đến năm 2014. Để thực hiện lộ trình đó, NATO sẽ huấn luyện các lực lượng quân đội và cảnh sát Afghanistan đủ để tiếp quản trách nhiệm đảm bảo an ninh sau khi NATO rút quân, đồng thời việc rút quân này phải chuyển tải được thông điệp rằng sứ mạng của NATO tại Afghanistan suốt hơn một thập kỷ qua là một thành công, dù phải chịu nhiều tổn thất.
Trong lịch sử 63 năm của NATO, chiến trường Afghanistan được xem là một điển hình cho sự gắn kết của liên minh. “Cùng đến và cùng đi” – người đứng đầu NATO, Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen đã tuyên bố như vậy khi thông báo kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, mong muốn tiếp tục gắn kết này đang bị đe dọa sau khi tân Tổng thống Pháp François Hollande quyết định rút lực lượng chiến đấu của nước này khỏi Afghanistan trước cuối năm nay thay vì năm 2014. Trong bối cảnh đó, tại Chicago, các nước đồng minh trong NATO sẽ phải cố gắng tạo ấn tượng rằng lịch trình của mỗi quốc gia thành viên phù hợp với chiến lược của liên minh.
Một vấn đề nhạy cảm khác trong nghị trình hội nghị là chương trình phòng thủ tên lửa, một mầm mống gây bất hòa giữa NATO và Nga. Bất chấp những nỗ lực của cả hai phía, mối quan hệ này vẫn tồn đọng nhiều khúc mắc khó tháo gỡ. Các thành viên Đông Âu trong NATO vẫn nghi ngại Nga, trong khi hành động mạnh mẽ của Mátxcơva đối với những quốc gia láng giềng từng là đồng minh càng không giúp ích cho việc xóa bỏ mối lo ngại mang tính lịch sử này. Xu hướng nghi kỵ thể hiện rõ nhất trong dự án phòng thủ tên lửa chung.
Mátxcơva kiên quyết giữ lập trường dự án này phải mang tính chia sẻ thực sự và cả hai bên sẽ cùng phối hợp trong việc ra quyết định có hay không đánh chặn một tên lửa. Trong khi đó, mặc dù ủng hộ hợp tác phòng thủ tên lửa với Nga, trên thực tế Mỹ lại không cho rằng Nga có thể là một đối tác bình đẳng về quân sự lẫn công nghệ. Xem ra nút thắt này sẽ khó được tháo gỡ tại Chicago.
Trước lễ khai mạc hội nghị, NATO sẽ chính thức hóa hoàn tất giai đoạn đầu tiên của lá chắn tên lửa, vốn được lên kế hoạch triển khai để bảo vệ châu Âu trước các cuộc tấn công tên lửa từ Trung Đông. Kế hoạch này trên thực tế đã được Mỹ theo đuổi suốt 30 năm qua trong khuôn khổ chương trình phòng thủ quốc gia chống tên lửa đạn đạo. Mặc dù vậy, Tổng Thư ký NATO lại quảng bá dự án lá chắn tên lửa này như một điển hình về hợp tác giữa các quốc gia trong khối. Đây cũng chính là mục tiêu của kỳ họp ở Chicago.
Nhưng để có thể tiến tới mục tiêu thiết lâp một hệ thống phòng thủ tên lửa chung của NATO mà ở đó Mỹ cho phép các đồng minh có quyền tham gia quyết định, chắc chắn Washington sẽ đẩy mạnh yêu cầu các thành viên châu Âu đóng góp kinh phí nhiều hơn. Trớ trêu thay, đây lại là một khó khăn lớn vào thời điểm tất cả các nước thuộc NATO đang cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng, hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008.
Để đối phó với thực trạng này, Tổng Thư ký Rasmussen đã đề xuất sách lược “phòng thủ thông minh,” hiểu nôm na là nếu không hy vọng được tăng chi tiêu quốc phòng, thì ngân sách quốc phòng hiện có phải được sử dụng một cách thông minh hơn. Đây cũng là chủ đề mới so với Hội nghị thượng đỉnh Lisbon (Bồ Đào Nha) hồi cuối năm ngoái. Sáng kiến này là một ý tưởng hợp lý nhưng lại xung đột với thực tiễn chính trị khắc nghiệt.
Các thành viên chủ chốt trong NATO trên nguyên tắc ủng hộ việc chia sẻ đóng góp, nhưng thực tế họ thường viện lý do để từ chối góp vũ khí-khí tài cho các chiến dịch chung, như trong chiến dịch Libya năm 2011. Điều này không chỉ làm giảm sự gắn kết của NATO mà còn khiến ý tưởng “phòng thủ thông minh” trở nên ít thực tiễn.
Những khác biệt quan điểm trên chắc chắn sẽ tác động không ít đến kết quả của hội nghị Chicago. Thêm vào đó, những diễn biến tình hình gần đây như việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á (cũng có nghĩa là Mỹ phải giảm bớt sự can dự trực tiếp ở châu Âu thông qua NATO), hay sự thiếu hụt nguồn lực trong kỷ nguyên cắt giảm chi tiêu… sẽ càng gây áp lực mạnh với NATO.
Hơn bao giờ hết, hội nghị Chicago sẽ là dịp để các đồng minh tái khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Cho dù giấc mơ về một “NATO toàn cầu” đã tàn lụi, nhưng tổ chức này vẫn có khả năng triển khai sức mạnh quân sự trong những chiến dịch khó khăn, phức tạp. Bởi thế, việc đạt được những tiến bộ nhỏ cũng sẽ là những bước khởi đầu lớn cho tương lai của NATO.
Theo Nguyệt Ánh (TTXVN)
Bình luận (0)