Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hội nhập quốc tế về giáo dục: Cơ hội và thách thức của Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hội nhập quốc tế về giáo dục hay tự do hóa thương mại về dịch vụ giáo dục được xem là tất yếu trong xu thế phát triển chung hiện nay. Nhất là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nó sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nền giáo dục nước nhà, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho chúng ta.
Đầu tiên là chúng ta có điều kiện để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phát triển giáo dục trên các bình diện có quy mô lớn, chất lượng và hiệu quả cao.
Thứ hai là có điều kiện đẩy mạnh quá trình hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, đa dạng và hiện đại. Đồng thời, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận các chuẩn tiên tiến quốc tế.
Thứ ba là có khả năng nâng cao năng lực quản lý giáo dục cho hệ thống giáo dục nước nhà cũng như tạo điều kiện tốt cho mọi người trong thụ hưởng giáo dục, nhằm mục tiêu cuối cùng là sớm đưa giáo dục nước ta lên trình độ tiên tiến.
Điều đáng quan tâm hơn cả đối với Việt Nam cũng như các nước đang phát triển đã là thành viên của WTO đó là những thách thức lớn trong giáo dục. Bản chất của những thách thức này là ở cách tiếp cận thương mại trong dịch vụ giáo dục.
Thách thức đầu tiên là trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục. Nếu mục tiêu giáo dục là dạy chữ, dạy nghề và dạy làm người thì dạy làm người là mục tiêu cao nhất và cũng khó khăn nhất, tốn kém nhất. Các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài với mục tiêu lợi nhuận là tối thượng, chí ít sẽ sao nhãng mục tiêu dạy người, chưa nói tới việc bóp méo mục tiêu này vì những ý đồ khác. Điều quan trọng là chúng ta phải giữ vững được chủ quyền quốc gia về giáo dục, bảo đảm tôn trọng mục đích, tính chất, nguyên lý giáo dục nước nhà.
Thứ hai là thách thức trong việc bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục. Người giàu sẽ được hưởng thụ chất lượng giáo dục cao hơn, nhờ vậy sẽ có công ăn việc làm tốt hơn và sẽ càng giàu hơn. Vì vậy, Nhà nước cần phải giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng giáo dục, bảo đảm về cơ bản giáo dục vẫn là sự nghiệp công ích, có chính sách và giải pháp để người nghèo được tiếp cận giáo dục công lập có chất lượng.
Thách thức thứ ba là trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Không có gì bảo đảm để giáo dục do các công ty nước ngoài cung ứng là giáo dục có chất lượng.
Thứ tư là thách thức về năng lực cạnh tranh trong giáo dục. Không chỉ cạnh tranh với nước ngoài mà chúng ta còn phải cạnh tranh ngay trên nước mình.
Cuối cùng là thách thức trước nguy cơ tụt hậu xa hơn về giáo dục so với khu vực và thế giới. Điều này dẫn đến khoảng cách tụt hậu về kinh tế của các nước đang phát triển so với các nước phát triển ngày càng lớn. Một kết quả tương tự cũng có thể diễn ra trong giáo dục nếu các nước đang phát triển không có các chính sách, giải pháp và năng lực phù hợp để khai thác cơ hội, khắc phục thách thức và giảm thiểu rủi ro, như nạn chảy máu chất xám, trong quá trình hội nhập.
Nguyễn Danh Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)