Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hội nhập – tiếng Anh là điều kiện cần

Tạp Chí Giáo Dục

Giao tiếp bằng tiếng Anh tốt, sinh viên mới đáp ứng được một trong những yêu cầu của nhà tuyển dụng

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, năng lực ngoại ngữ là hành trang không thể thiếu đối với mỗi sinh viên khi tốt nghiệp. Tại TP.HCM, các trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm cũng như các trường ĐH, CĐ thi nhau đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã minh chứng cho tầm quan trọng của môn học này đối với tương lai của các bạn trẻ.
Yếu ngoại ngữ… khó xin việc
Người lao động có năng lực ngoại ngữ là yêu cầu cần thiết của mỗi doanh nghiệp khi muốn đưa sản phẩm của mình xâm nhập vào thị trường toàn cầu. Vì thế, trong các thông báo tuyển dụng, bao giờ cũng có yêu cầu ứng cử viên phải có trình độ tiếng Anh (ít nhất là bằng B), ưu tiên người có thêm một ngoại ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hoa, tiếng Hàn… Còn đối với những cử nhân không có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì vấn đề xin việc hết sức khó khăn.
Bạn N.T.A, tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế – Luật – ĐHQG TP.HCM) hơn một năm nay vẫn chưa xin được việc làm. Bạn cho biết: “Học tiếng Anh ở trường ĐH chưa đủ mà sinh viên cần phải nâng cao trình độ môn này bằng cách tự học hoặc học thêm ở trung tâm. Bởi qua một năm xin việc ở nhiều nơi, từ ngân hàng đến các doanh nghiệp, tôi thấy nơi nào cũng bắt làm bài test tiếng Anh, qua được vòng này các nhà tuyển dụng lại tiếp tục phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh rất gay gắt”. Hay như N.T.H (cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) thì than thở: “Tôi muốn xin được việc làm đúng chuyên môn đã học nhưng phỏng vấn ở đâu cũng yêu cầu có ít nhất một năm kinh nghiệm hay tiếng Anh giao tiếp tốt, trong khi khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của tôi rất tệ”.
Theo các chuyên gia quản lý nhân sự, trình độ ngoại ngữ của sinh viên mới tốt nghiệp khi phỏng vấn rất yếu. Nhiều ứng cử viên đã học tiếng Anh ở trường phổ thông và cả ĐH nhưng do học thụ động, thiếu môi trường giao tiếp nên khả năng áp dụng vào tình huống cụ thể còn  nhiều hạn chế.
Tại một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP.HCM, cho biết: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm là do các em thiếu kỹ năng thực hành thực tế và đặc biệt là yếu ngoại ngữ. Trong thời kỳ hội nhập, nếu không có tiếng Anh, các em khó thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em phải tự trang bị vốn ngoại ngữ cho mình”.
Đầu vào không khó
Trước yêu cầu của doanh nghiệp, rất nhiều trường ĐH, CĐ có khoa đào tạo riêng về tiếng Anh cho sinh viên. Tùy thuộc vào số lượng đăng ký dự thi của thí sinh, các trường có mức điểm chuẩn tương đối khác nhau nhưng nhìn chung không quá khó. Thậm chí, ngay cả ĐH Quốc tế, thí sinh có trình độ tiếng Anh mức trung bình cũng có thể đăng ký dự thi. “Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) giảng dạy bằng chương trình tiếng Anh nên sau khi trúng tuyển, các em sẽ được sát hạch trình độ tiếng Anh theo ba cấp độ: Nếu đạt trên 500 điểm TOEFL, các em được học thẳng chương trình chính thức của trường. Nếu đạt từ 430-500 điểm TOEFL, các em sẽ có một học kỳ học tiếng Anh tại trường để chuẩn bị kiến thức bước vào chương trình chính. Còn nếu dưới 430 điểm thì số tín chỉ tiếng Anh các em phải học nhiều hơn, có thể là 1 hoặc 2 học kỳ. Trường sẽ trang bị kiến thức tiếng Anh để các em theo học được chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của trường. Vì thế, các em không phải lo lắng nhiều về trình độ tiếng Anh hiện tại của mình”, TS. Nguyễn Thị Huệ, Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ.
Hiện nay, tiếng Anh có rất nhiều chuyên ngành, trong đó nhiều trường dạy khối ngành kinh tế thường đào tạo các chuyên ngành như tiếng Anh chuyên ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, kinh doanh… Đặc biệt, tiếng Anh thương mại được rất nhiều trường chú trọng bởi khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm ở nhiều vị trí.
Đối với sinh viên học ngành tiếng Anh thương mại, các em sẽ được cung cấp rất nhiều kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ cũng như văn hóa Anh, có kiến thức về thương mại, kinh doanh, quản trị, tài chính và kinh tế xã hội… Với những kiến thức này, sinh viên sẽ có lợi thế khi sử dụng tiếng Anh trong nhiều lĩnh vực như biên – phiên dịch tiếng Anh chuyên ngành (thương mại, quản trị, tài chính…), nhân viên các bộ phận chức năng (kinh doanh, dự án, marketing…), giáo viên tiếng Anh chuyên ngành tại các trường ĐH, CĐ thuộc khối kinh tế, nghiệp vụ bán hàng, xúc tiến thương mại quốc tế, phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng…
Hiện TP.HCM có một số trường ĐH đào tạo chuyên sâu về tiếng Anh thương mại như ĐH Ngoại thương, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Ngân hàng… Với những trường này, điểm chuẩn nguyện vọng 1 những năm gần đây khá cao, hầu hết trên 18 điểm. Tuy nhiên, nếu không đỗ ĐH, thí sinh có thể xét nguyện vọng xuống các trường CĐ để học. Hiện Trường CĐ Kinh tế TP.HCM tuyển sinh ngành tiếng Anh (năm học 2012-2013) với điểm trúng tuyển cho thí sinh thi đề CĐ ở nguyện vọng 1 là 20 điểm, còn với thí sinh thi đề ĐH là 10,5 điểm.
Bài, ảnh: Minh Châu
Thầy Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cho hay: “Biết tiếng Anh là một yêu cầu cần thiết trong xu thế toàn cầu hóa, vì thế trường đã chú trọng trang bị kiến thức này cho các em. Khoa Tiếng Anh của trường đào tạo cho khối ngành kinh tế, trong đó chú trọng vào tiếng Anh thương mại để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở nhiều lĩnh vực”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)