Hồi còn học cấp 3 (bậc THPT ngày nay), chúng tôi sống và đi học dưới làn bom đạn trong suốt những năm “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ trên miền Bắc. Dù sống trong hoàn cảnh thời chiến nhưng việc học, việc rèn luyện vẫn bài bản; mang tính khoa học, tính giáo dục cao. Một trong những công việc mà chúng tôi được thầy cô chủ nhiệm phân công thay phiên nhau làm trong tuần là trực nhật lớp. Thông thường, các bạn gái được phân công quét lớp; các bạn nam lãnh nhiệm vụ lau bảng và đi kiểm tra hầm, hào quanh lớp. Tôi thường được phân công lau bảng. Nhận phân công của tổ trưởng xong, chiều về tôi khẩn trương mang nồi, chảo ra sau hè cạo lấy nhọ đen. Chưa “đủ đô”, tôi đi qua nhà người chú lượm những cục pin nghe đài mà chú thảy ra bên gốc cây mít. Tôi lột vỏ pin, cạy những phần than đen ra, giã thật mịn rồi trộn chung nhọ nồi, chảo. Tôi cắt lá chuối non hơ lửa và gói than mịn vào cẩn thận. Tiếp đó là chạy ra vườn, chặt một cây chuối con, đập dập một đầu cho dễ lau… Sáng mai, trời còn tối mịt nhưng chúng tôi (hai đứa nam) đã lội bộ đến lớp để “thực thi nhiệm vụ”. Mở bọc lá chuối, chúng tôi lấy cây chuối nhỏ, chấm vào than và từ từ bôi lên bảng. Công việc này đòi hỏi sự mê say, thích thú. Nhựa chuối lúc đầu còn nhiều, kết hợp than nên lau bồi ba, bốn lần thì bảng đen nhánh. Xong công việc lau bảng, tôi chạy ra những chiếc hầm Triều Tiên (hầm chữ A) để kiểm tra có chuột, rắn, ếch… rớt xuống để bắt lên (loại hầm nửa nổi nửa chìm, chứa được từ 10 đến 12 người; độ dày vách hầm khoảng bốn tấc để tránh mảnh bom…). Mỗi tổ có một hầm. Cả thảy có bốn hầm như thế. Gian nan nhất là trực kiểm tra hầm ngày mưa. Xắn quần mà đi kiểm cho kỹ vì những “vị khách” không mời mà đến khá nhiều. Xong chạy theo hào giao thông để xem có con gì rớt xuống không mà dọn cho hết.
Công việc trực nhật rèn luyện cho chúng tôi tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với công việc. Bên cạnh đó, công việc này giúp chúng tôi biết hỗ trợ, chia sẻ cho nhau trong quá trình thực hiện công việc được giao. Mặt khác, đó cũng là niềm vui, niềm tự hào về thành quả trực nhật, thành quả lao động của mình khi được thầy cô khen và biểu dương trước lớp vào giờ chủ nhiệm cuối tuần. Bảng đen luôn được thầy cô bộ môn khen ngợi. Hầm, hào luôn sạch sẽ, an toàn được thầy chủ nhiệm khen. Cứ thế, chúng tôi khôn lớn, biết yêu công việc lao động chân tay; không nề hà công việc gì, dù lớn dù nhỏ cũng luôn làm đến nơi đến chốn cho thật tốt. Dù gần 50 năm đã qua, nhưng công việc trực nhật thời đi học vẫn luôn làm cho tôi nhớ mãi…
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)