Đây không phải là những “hội, nhóm” thuộc đoàn thể như “Hội chữ thập đỏ, Hội khuyến học…” mà là những “hội, nhóm” được hình thành để phân biệt “ngôi thứ”, “đẳng cấp” trong trường học…
Đối với giáo viên thì có “Hội xe tay ga”, là “Nhóm nhà giàu”; đối với học sinh thì có “Hội xe xịn”, có “Nhóm chung sở thích”…
Trong nhà trường, bên cạnh đa số giáo viên (GV) lương “ba cọc ba đồng”, chi tiêu kỹ càng lắm mới “trụ” được với nghề thì có một số GV có đời sống khá giả, thậm chí khá giàu! Đó là những gia đình mà có vợ (hoặc chồng) làm kinh tế, kinh doanh; những GV có chồng (vợ) là bác sĩ, thầu xây dựng; hoặc những GV dạy thêm lâu năm…
Thế là nhu cầu hình thành nên những “Hội nhóm” xuất hiện. Đầu tiên chỉ vài ba người, hàng năm “kết nạp” vào hội cứ tăng lên… Biểu hiện rõ nhất để phân biệt là các GV trong “hội” là học thường đi chung với nhau; đi dự đám cưới, lễ lạt thường ngồi chung một nhóm. Ngay trong những buổi liên hoan chào mừng ngày 8-3, Ngày Nhà giáo VN; họ ngồi chung bàn, nếu có vài người “lỡ” ngồi trước thì “biết ý”, liền đổi qua bàn khác vì sợ “nổ”…
Một khi GV trong nhóm, trong “hội” có dịp khoe xe mới, điện thoại mới, đầm váy mới thì các GV khác không khỏi trầm trồ, nhưng rồi nhiều khi mặc cảm cho hoàn cảnh của mình. Một nữ đồng nghiệp có lần tâm sự: “Em không dám ngồi chung với các cô ấy đâu; có khi được mời uống cà phê, em phải lấy cớ về đón con để từ chối. Họ nhìn người khác với ánh mắt lạ lắm, hình như… thấy thương hại!”.
Trong nhà trường, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chứ không phải ai cũng dư dả để sắm xe này xe nọ nhưng điều quan trọng nhất là sự hòa đồng, sự kết nối, cảm thông, chia sẻ giữa các đồng nghiệp.
Một khi xuất hiện những “nhóm, hội” như thế, không khí sinh hoạt trong nhà trường khác hẳn. Không còn những câu nói vui, những lời hỏi thăm giữa GV với nhau cũng thưa dần theo năm tháng…
Tôi cảm thấy một khi đời sống vật chất của con người đi lên thì đời sống tình cảm lại đi xuống! Thời “bao cấp” tôi đã trải qua, thiếu thốn đủ thứ về vật chất nhưng diệu kỳ thay; trong nhà trường, từ ban giám hiệu đến từng giáo viên luôn kết thành một khối đoàn kết, thương yêu, chia ngọt sẻ bùi…
Mặt khác, “hội, nhóm” trong nhà trường sẽ nảy sinh sự phân biệt giàu nghèo trong đội ngũ GV; làm mất đi sự trong sáng, thiêng liêng của nghề dạy học. Học sinh cũng biết, phụ huynh cũng biết GV nào giàu, GV nào nghèo và có cách cư xử khác nhau: có vẻ “trọng thị” GV chạy xe ga và coi thường, rẻ rúng GV chạy xe số!
Đã chấp nhận vào nghề dạy học, GV chúng ta nên khiêm tốn, nhường nhịn; hòa mình vào tập thể và có một lối sống giản dị, chan hòa, thương yêu nhau để góp công góp sức cùng nhà trường hoàn thành nhiệm vụ.
Không lẽ trong môi trường trường học mà còn có vụ “đẳng cấp” nữa sao?
Hồng Lam Sơn
(Sóc Trăng)
Bình luận (0)