Sau hai năm gián đoạn vì COVID-19, các hội sách quốc tế dần được mở lại. Trong nước, nhiều hội sách offline cũng đã được tổ chức từ đầu năm 2022. Đây là tín hiệu mừng cho ngành sách sau thời gian dài im ắng vì dịch bệnh
Cơ hội tốt để giơi thiệu mình và cập nhật xu thế
Cùng thời điểm Hội sách thiếu nhi Bologna (Ý) được tổ chức, Hội sách Quốc gia Thái Lan lần thứ 50 và Hội sách bản quyền quốc tế Bangkok lần thứ 20 (50th National Book Fair & 20th Bangkok International Book Fair 2022) cũng diễn ra tại nhà ga Bang Sue Grand, Bangkok, từ ngày 26 – 31/3. Hai đơn vị làm sách trong nước là Chibooks và Saigon Books đã có gian hàng tại hội sách này; cũng như có đại diện tham gia vào các hoạt động trao đổi bản quyền, về các vấn đề hợp tác xuất bản trong khu vực Đông Nam Á.
Nhiều tựa sách về văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam đã được giới thiệu tại hội sách quốc tế lần này: Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội (Nguyễn Ngọc Tiến), Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm (Phi Tân), Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời (Vũ Thế Long), Lộc vừng Hồ Gươm đường Trường Sa (Trần Quốc Toàn)…
Có mặt tại Hội sách bản quyền quốc tế Bangkok những ngày qua, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Books – cho biết, thông qua gian hàng trưng bày và giới thiệu các tác phẩm của đơn vị, một nhà xuất bản Singapore đang tìm hiểu bản quyền cuốn Go Global – An MSME’s Guide to Global Franchising (Vươn ra toàn cầu: Hướng dẫn cho các công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa về nhượng quyền toàn cầu) của tác giả Nguyễn Phi Vân. “Ngoài ra, một đại diện xuất bản đã đề nghị tôi giới thiệu những đầu sách bán chạy ở Việt Nam để họ cân nhắc việc dịch thuật sang tiếng Anh, và chào bán qua các nước Âu Mỹ. Các đơn vị rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, đến ngành xuất bản Việt Nam” – ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ.
Sau hai năm gián đoạn vì dịch bệnh, Hội sách bản quyền quốc tế Bangkok mới được tổ chức trở lại.
Nhiều đơn vị làm sách trong nước chia sẻ vấn đề giao dịch bản quyền trong thời gian dịch bệnh không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhờ kết nối làm việc trực tuyến. “Tuy nhiên, việc mở lại các hội sách offline cũng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giới xuất bản lẫn độc giả trong và ngoài nước. Đến với hội sách offline, người ta dễ được truyền cảm hứng hơn, việc lựa chọn sách cũng dễ dàng hơn. Các đơn vị xuất bản có thể thuận tiện trao đổi với nhau về cuốn sách, như hỏi sâu thêm về tác giả, về những điểm đặc biệt của cuốn sách, những giải thưởng mới cập nhật… Cảm nhận, đánh giá về sách vì vậy sẽ được trực quan hơn, giúp ta dễ quyết định hơn trong việc giao dịch bản quyền” – bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks, nói.
Chibooks cũng là đơn vị làm sách tư nhân rất tích cực trong việc tham gia các hội sách quốc tế và khu vực. Theo bà Nguyễn Lệ Chi, việc đưa sách Việt ra bên ngoài đã xóa bỏ rào cản xa cách với khu vực và thế giới mà bấy lâu nay chúng ta chưa tìm được, hoặc chưa chú tâm khẳng định vị trí. Điều đó cũng mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn trong lĩnh vực xuất bản. “Tôi cho rằng việc tham gia các hội sách quốc tế không những sẽ giúp các nhà xuất bản Việt Nam thêm hiểu, cập nhật xu thế xuất bản các nước trong khu vực, mà còn là cơ hội tốt để giới thiệu sản phẩm của mình, cũng như xu hướng xuất bản sách tại Việt Nam hiện nay. Nếu làm tốt, chúng ta có thể bán được bản quyền ra các nước” – ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ thêm.
Trong nước rộn ràng
Mặc dù Hội sách TP.HCM thường kỳ vẫn chưa thể trở lại nhưng từ đầu năm 2022, nhiều hội sách offline với quy mô vừa và nhỏ cũng đã liên tục được tổ chức: Hội sách xuyên Việt (với sáu đơn vị cùng tham gia tổ chức, từ ngày 22 – 28/2), Hội sách tháng Ba của Nhà xuất bản Trẻ (vừa diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên), Đường sách TP.HCM liên tục có nhiều sự kiện hấp dẫn, ý nghĩa cho người yêu sách… Đầu tháng Tư, Omega Plus Books cũng tổ chức Hội sách về Huế (tại công viên Tứ Tượng, TP.Huế).
Hội sách tháng Ba do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức vừa diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Ảnh: Nhà Xuất Bản Trẻ
Trong kế hoạch hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 của Cục Xuất bản, còn có chuỗi chương trình dự kiến diễn ra trong suốt nửa cuối tháng Tư tại hệ thống các thư viện, trường học, các địa phương trong cả nước; với nhiều hoạt động: giao lưu, tọa đàm, giới thiệu các câu lạc bộ về sách, các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc…
Hoạt động offline rộn ràng trở lại không chỉ gồm các hội sách, tọa đàm, giao lưu tác giả – tác phẩm… mà còn có những hành trình đưa sách đến với trẻ em, các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc. Trong tháng Tư, Mekongaholics và VIRES – Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam – dự kiến tổ chức Liên hoan Kể chuyện cho trẻ em với chủ đề “Những chuyến du hành” tại hơn 20 tỉnh, thành cả nước. Chị Phạm Thị Hoài Anh, tác giả sách và là người kể chuyện, cho biết, dự kiến sẽ có 200 hoạt động liên quan đến sách sẽ được tổ chức: kể chuyện bằng nhiều hình thức: đọc, kể, biểu diễn rối, các hội thảo sách về thiếu nhi, workshop… dành cho cả người lớn và trẻ em.
Chỉ cách đây vài tháng, mọi hoạt động offline đều bị “đóng băng”, thì hiện nay, sự rộn ràng trở lại của các hội sách, các chương trình dành cho sách đem lại niềm vui cho người làm sách, người đọc sách. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục duy trì các chương trình giao lưu trò chuyện trực tuyến định kỳ. Nỗ lực từng bước chuyển đổi số nhưng cũng không bỏ qua vai trò quan trọng, tích cực của các hội sách offline, các sự kiện kết nối truyền cảm hứng, một sinh khí mới đang đến với ngành xuất bản.
Theo Lục Diệp/PNO
Bình luận (0)