Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hồi sinh cho văn học dân gian

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài “tính truyền miệng”, “tính tập thể”, thì văn học dân gian (VHDG) còn có một đặc trưng rất tiêu biểu, đó là “tính gắn bó với sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua hoạt động diễn xướng…”. Đây chính là những điều kiện làm nên sự tồn tại – “sống” – của VHDG Việt Nam từ rất lâu đời.

Học sinh Trường THPT Tây Thạnh tham gia phần thi “Rung chuông vàng” kiến thức văn học dân gian

Đang hẹp dần… đất sống

Ngày nay, khi dạy học VHDG trong nhà trường phổ thông, nếu chỉ thông qua các văn bản trong sách giáo khoa để dạy cho học sinh qua kỹ năng đọc hiểu, là chỉ mới khám phá về mặt vật chất ngôn từ được tái hiện lại, chứ chưa khám phá hết vẻ đẹp đích thực của nó qua sự tồn tại vô cùng sống động trước đây. 

Cái khó trước hết của việc dạy và học VHDG hiện nay là lứa tuổi người học còn quá trẻ (sinh sau năm 2000). Các em lớn lên trong thời đại của công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Các trang mạng xã hội tràn ngập, bủa vây. Xung động tâm hồn nhanh – mạnh – gấp với những tiết điệu sôi động liên tục đổi thay. Những cung bậc trầm lắng của mạch nguồn văn hóa dân gian có nguy cơ dần dà lùi xa thế hệ các em.

Các bài học trong chương trình, do thời gian hạn hẹp, nên cũng chỉ như những lát cắt mỏng, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong lúc, phương châm của ngành giáo dục là “xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thì xu thế chung hiện nay của trường phổ thông đang nghiêng về hướng đến tính hiện đại, sự hội nhập toàn cầu, và công nghệ 4.0… Vì vậy, văn hóa dân gian nói chung và VHDG nói riêng hiện nay ở nhà trường đang trước nguy cơ hẹp dần… đất sống!

Cần được “hồi sinh”     

Với sự thay đổi và đa dạng về phương pháp, về hình thức dạy học văn như hiện nay, nếu biết tận dụng, sẽ giúp chúng ta có những cách làm hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc học lý thuyết khô khan, mà tăng thêm những hấp dẫn, sinh động, thú vị.

Vừa qua, tổ ngữ văn của Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) đã thực hiện chuyên đề ngoại khóa bằng hình thức “dạy học ngoài không gian lớp học” về VHDG với chủ đề “Học sinh Tây Thạnh với VHDG Việt Nam”. Buổi học vô cùng ý nghĩa, theo cô Nguyễn Thị Phúc (tổ trưởng bộ môn ngữ văn): “Chuyên đề ngoại khóa đã giúp học sinh tìm về với cội nguồn văn học dân tộc, làm “sống lại” VHDG trong môi trường diễn xướng thông qua các hình thức trình diễn. Đồng thời qua đây, bồi dưỡng cho các em biết đồng cảm với tâm hồn người lao động, yêu quý những sáng tác của họ và học tốt hơn bộ môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông”.

Học sinh hóa thân vào các nhân vật trong truyện cổ tích Tấm Cám

Để thực hiện chuyên đề trên, tập thể 20 lớp 10 của trường  phải trải qua vòng thi sơ tuyển giữa các lớp. Sau đó chọn vào vòng trong những lớp có tiết mục xuất sắc nhất. Các em học sinh đã tham gia nhiệt tình, hào hứng ở hầu hết phần thi: Em yêu làn điệu dân ca (thi và trình diễn dân ca 3 miền); hành trình tri thức (“Rung chuông vàng” về kiến thức VHDG); đối đáp ca dao (đối đáp ca dao trực tiếp giữa các lớp); và cuối cùng là sân khấu hóa truyện dân gian. Các phần thi và trình diễn đã làm “sống lại” không khí thực sự của VHDG trong sự phấn khích của các em học sinh trên sân trường. Những điệu lý mượt mà của thôn quê Bắc bộ, những lời hát giao duyên thắm nghĩa thâm tình, những điệu múa tha thướt đượm màu sắc dân gian… Phần “Rung chuông vàng” kiến thức đầy kịch tính và thú vị, những đối đáp về kiến thức ca dao cũng thật sự rất vui vẻ, đậm đà. Ấn tượng nhất là phần sân khấu hóa truyện dân gian. Các em đã làm “sống lại” hình ảnh cô Tấm, ông Bụt, thầy đồ dốt chữ… trong kho tàng truyện cổ tích, truyện cười dân gian với những bài học thế sự sâu sắc. Tất cả như đã làm “hồi sinh” không khí của VHDG.

Trao đổi về ý nghĩa của chuyên đề, thầy Phạm Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh) cho rằng: “Những buổi học tập như thế này mang lại sự thích thú và hiệu quả giáo dục cao cho học sinh. Chủ trương của trường là khuyến khích các tổ bộ môn tăng cường các hoạt động giáo dục theo hướng đổi mới, nhằm đem đến niềm vui, sự phấn khởi trong học tập cho học sinh và rèn luyện kỹ năng cần thiết cho các em…”.

Trần Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)