Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Hồi sinh máy bay chở khách huyền thoại Junkers F13

Tạp Chí Giáo Dục

Junkers F13 là máy bay vận tải đầu tiên trên thế giới được làm hoàn toàn từ kim loại (hợp kim duralumin gồm đồng và nhôm), do một doanh nhân người Đức thiết kế sau Thế Chiến I. Nó sẽ được hồi sinh và cất cánh trở lại vào đầu năm 2016.

hoi-sinh-may-bay-cho-khach-huyen-thoai-junkers-f13

Máy bay Jukers F13 trong bảo tàng Deutschen, Đức.

Theo CNN, chiếc máy bay Junkers F13 được doanh nhân Hugo Junkers thiết kế vào năm 1919. Đây là máy bay kim loại đầu tiên trong kỷ nguyên của máy bay gỗ hai và ba tầng cánh. Kiểu dáng của nó ảnh hưởng tới hình dạng của các dòng máy bay hiện đại sau này.

Ngoài đặc điểm chế tạo hoàn toàn bằng kim loại, đây còn là chiếc máy bay đầu tiên có cabin kín, được sưởi ấm, có khả năng chở 4 hành khách tương đối thoải mái, ít nhất là theo các tiêu chuẩn thời đó. Buồng lái của các máy bay trước đó, không phải là khoang kín, bởi vì máy bay không có hệ thống định vị, nên phi công phải dùng mắt thường để quan sát xung quanh.

Thế hệ máy bay F13 nổi tiếng tới mức, bất chấp sự phong phú của các dòng máy bay quân sự giá rẻ trong những năm sau chiến tranh, nó vẫn có một thị phần đáng kể trong ngành công nghiệp hàng không đang phát triển. Tới giữa những năm 1920, khoảng 40% các tuyến hàng không thương mại toàn cầu sử dụng F13.

Hugo Junkers thậm chí còn sáng lập hãng hàng không của riêng mình, Junkers Luftverkehr, sau này sáp nhập vào hãng hàng không Đức Lufthansa, để quảng bá và bán F13.

Chiếc F13 thương mại cuối cùng ngừng bay vào năm 1951 tại Brazil.

Hồi sinh

Công ty Rimowa chuyên về sản xuất túi đựng hành lý sang trọng, có trụ sở tại Cologne, Đức đang lên kế hoạch hợp tác với hãng hàng không Thụy Sĩ Ju-Air để hồi sinh dòng máy bay này. Rimowa cũng là một công ty tiên phong trong việc sử dụng hợp kim duralumin. Các sản phẩm của hãng có đặc trưng bề mặt gợn sóng, gợi nhớ các máy bay chở khách của những năm 1920 và 1930.

Công việc này không hề dễ dàng. Chỉ còn 5 chiếc F13 trong các bảo tàng trên thế giới, tất cả đều không thể bay được. Các bản thiết kế còn lại tới nay đều không đầy đủ. Họ còn phải tìm kiếm các công ty có chuyên môn hóa cao, thành thục trong ngành lắp ráp, đủ năng lực chế tạo khung máy bay, phục hồi và bảo dưỡng hệ thống điện, kỹ thuật. Công việc nghiên cứu thậm chí ngốn mất 4 năm. Các cộng đồng hàng không Thụy Sĩ và Đức cùng một số viện bảo tàng tại châu Âu và châu Mỹ đều tích cực hỗ trợ dự án.

Trong một nhà xưởng ở Oberndorf, bìa Rừng Đen của Đức, một nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của Dominik Kaelin, thuộc công ty công nghệ hàng không Kaelin Aero đã dành hơn 9.000 giờ làm việc để chế tạo phần khung máy bay và cánh.

hoi-sinh-may-bay-cho-khach-huyen-thoai-junkers-f13-1

Hình dạng chiếc F13 mới.

Theo Dieter Morszeck, Giám đốc điều hành Rimowa, tìm được động cơ phù hợp cũng là một thách thức. 

"Loạt F13 đầu tiên sử dụng động cơ in – row (các xylanh bố trí theo hàng), rất khó tìm thấy ngày nay. Những phiên bản về sau sử dụng động cơ radical (các xylanh bố trí tỏa ra ngoài từ trung tâm, như nan hoa xe đạp). Do đó, chúng tôi chọn động cơ Pratt & Whitney R-985 (một động cơ radical với 9 xylanh)", Morszeck cho biết.

Sau khi hoàn thành, máy bay sẽ được chuyển về Duebendorf, Thụy Sĩ. Tại đây, Ju-Air sẽ bắt đầu khai thác cho mục đích tham quan. Chuyến bay đầu tiên sẽ sẵn sàng vào khoảng tháng 3/2016.

Nguyễn Thành Minh (theo vnexpress)

Bình luận (0)