Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hồi sinh những mảnh đời từ kỷ lục ghép tạng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau gn 1 tun đưc Bnh vin Trung ương Huế ghép tim và gan, hai bnh nhân trưc đó tưng chng phi t giã cuc đi đã hi sinh s sng. Cuc tái sinh này là kết qu chung tay ca ngưi hiến tng và các y bác sĩ…

Bệnh nhân Trần Văn T. đã tỉnh táo sau khi được ghép tim

1.Nhật ký Bệnh viện Trung ương Huế ghi, ngày 31-8-2019 bệnh viện thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt. Đó là điểm mốc lịch sử một trái tim và một lá gan của một người cho chết não tại thủ đô Hà Nội hiến tặng đã hồi sinh 2 cuộc đời khác ở mảnh đất miền Trung nắng cháy, mưa dầm.

GS.TS, Thầy thuốc nhân dân Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nói, ngay sau khi nhận được thông tin có người hiến tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện 103 (Hà Nội), ngay trong đêm 30-8, Bệnh viện Trung ương Huế đã tức tốc cử các ê-kíp đến Bệnh viện 103 để tiến hành lấy tạng. Sau khi có kết quả tương thích giữa người cho với 2 người nhận tại Huế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã quyết định cho phép các kíp mổ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các kíp mổ của Bệnh viện Quân y 103 phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não. Lúc đó đồng hồ điểm 5 giờ 15 phút ngày 31-8.

Quả tim và gan hiến được lấy ra khỏi cơ thể người chết não tuần tự lúc 7 giờ 40 và 7 giờ 55. Một cuộc chạy đua của các y bác sĩ kíp phẫu thuật lấy tạng bắt đầu. Cùng với sự giúp đỡ tích cực của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Sân bay Nội Bài, Sân bay Phú Bài, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau đó, quả tim và gan người cho chết não được vận chuyển đồng thời đưa về Huế. Chuyến bay mang số hiệu VN1543 của Vietnam Airline đáp xuống Sân bay Phú Bài, kíp mổ lập tức mang tim và gan đến Bệnh viện Trung ương Huế lúc 10 giờ 15.

2.Ở Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Trần Văn T. 36 tuổi, đến từ huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn. Cách chỗ anh T. nằm không xa là bệnh nhân Lê Khắc T. 52 tuổi, quê ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên – Huế) bị ung thư gan trên nền xơ gan mất bù. Cả hai bệnh nhân đều đối diện với cái chết khi không có tim, gan tương thích để ghép. Hai chữ “tương thích” ngắn gọn nhưng không dễ tìm. Và ngày 31-8, có lẽ trong cuộc đời của những người thân họ, không hạnh phúc nào bằng khi nghe các y bác sĩ thông báo rằng đã tìm thấy tạng phù hợp.

Sáng 31-8, toàn bộ các kíp phẫu thuật, kíp gây mê, kíp rửa tạng… đã tập trung phối hợp rất khẩn trương và nhịp nhàng để chạy đua thời gian thực hiện ghép tạng đồng thời trên 2 bệnh nhân. Quả tim ghép của người hiến tặng đã tự đập và đảm bảo huyết động trong lồng ngực của người bệnh lúc 11 giờ 45 phút ngày 31-8 sau hơn 4 giờ thiếu máu lạnh. Và lá gan ghép cũng bắt đầu thực hiện chức năng của mình trong cơ thể bệnh nhân một cách đầy đủ sau hơn 7 giờ thiếu máu lạnh.

Đêm 31-8, cả 2 bệnh nhân được hồi sức ổn định huyết động và chuyển về phòng hồi sức ghép tạng sau khi hoàn tất các công đoạn cuối cùng. Cả 2 bệnh nhân đều có các thông số huyết động, hô hấp, các chỉ số sinh hóa và huyết học nằm trong giới hạn cho phép. Chức năng quả tim và gan ghép đã hoạt động tốt.

GS.TS, Thầy thuốc nhân dân Phạm Như Hiệp cho biết, đến 7 giờ sáng 1-9, cả 2 bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, các thông số huyết động hô hấp ổn định, các chỉ số sinh hóa và huyết học trong giới hạn, bệnh nhân được rút nội khí quản, ngưng máy thở và tiếp tục được chăm sóc theo dõi cũng như tập vận động nhẹ để phục hồi chức năng. Tuy chưa thể tiếp xúc với người ngoài theo yêu cầu đảm bảo vô trùng nhưng ánh mắt và nụ cười của họ đã nói lên sự hồi sinh trong cơ thể. Trong ánh mắt và nụ cười ấy, dường như nỗi âu lo đối mặt với lưỡi hái tử thần đã không còn tồn tại.

Ê-kíp thực hiện ghép gan cho bệnh nhân Lê Khắc T.

3.Tháng 8-2019, đánh dấu sự ra đời của Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế, cũng đồng thời ghi dấu việc bệnh viện thực hiện thành công 21 ca ghép tạng, trong đó có 2 ca ghép tim, 1 ghép gan xuyên Việt ấy và 18 ca ghép thận trong vòng 1 tháng. Tổng cộng cho đến nay bệnh viện đã thực hiện hơn 800 trường hợp ghép tạng, trong đó có nhiều bệnh nhân được ghép tạng xuyên Việt.

“Sự thành công của 2 ca ghép tạng xuyên Việt cùng một thời điểm đã khẳng định vị thế của bệnh viện trong chinh phục đỉnh cao của ghép tạng, đó là sự phối hợp đồng bộ của nhiều trung tâm, khoa phòng với nhiều chuyên ngành trong toàn viện… Đặc biệt là công tác tổ chức, hậu cần như cung cấp đầy đủ máu cùng các chế phẩm của máu với số lượng rất lớn đồng thời cho 2 bệnh nhân có cùng nhóm máu và phẫu thuật phức tạp, chuẩn bị các loại máy móc, trang thiết bị, cung ứng đầy đủ các loại thuốc chống thải ghép, thuốc điều trị viêm gan… cũng là nỗ lực vô cùng lớn lao của tập thể cán bộ Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 103 và đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy…”, GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Như Hiệp nói.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)