Nhiều đứa trẻ sinh ra đã mang một trái tim “lỗi nhịp”. Kể từ giây phút ấy, các em phải đấu tranh giành giật sự sống với năm lần bảy lượt lên bàn mổ, trong sự giật mình thon thót của những bậc sinh thành. Niềm khát sống, tình yêu của cha mẹ và sự chung tay của chương trình chữa tim bẩm sinh của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng đã đem lại nhịp đập bình thường!
Cháu Hồ Thị Bảo Phước trải qua 6 lần mổ tim |
1. Trong căn nhà nhỏ ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bé Hồ Thị Bảo Phước, lên 4 tuổi, thoăn thoắt nhảy chân sáo. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Thanh Sương dõi theo con, mỉm cười. Cùng tuổi với Phước, các bạn đã đến trường mầm non, nhưng Phước thì khác. Qua 6 lần mổ tim, thời gian chủ yếu của em là ở bệnh viện, trong vòng tay chăm sóc của ba mẹ, bà ngoại. Chị Sương nói: ‘Cháu vừa được mổ lần thứ 6. Sang năm sau, sẽ mổ thêm lần nữa”. Đôi mắt chị rưng đỏ: “Cực đến mấy cũng được miễn con khỏe mạnh, thở hơi thở bình thường là hạnh phúc rồi”. Vừa 1 ngày tuổi bé đã được phát hiện bệnh tim. Bác sĩ chỉ định mổ đặt sten thông động mạch. Cả nhà giấu chị Sương vì sợ sốc, một tuần sau chị mới được biết. Với bệnh lý đặc biệt, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã gửi hồ sơ sang Đức nhờ TS.BS Lê Trọng Phi (Việt kiều Đức, chuyên gia về tim mạch nhi) hỗ trợ. Hai tháng sau, bé được chính BS Phi mổ. “Ca mổ kéo dài 5 tiếng. Đôi chân tôi như khụy xuống vì thương con, cứ đếm từng giây trôi qua…”, chị Sương nói. Gần 3 tuổi, bé Phước trải qua 6 ca phẫu thuật như thế. “Lần mổ gần đây nhất là hồi tháng 8-2017. Trước ca mổ, con thường xuyên kêu mệt. Đêm nào hai vợ chồng cũng khóc vì con. Lúc làm hồ sơ chuẩn bị mổ, bác sĩ nói cháu có 95% thành công nhưng hãy nhìn vào 5% còn lại để hi vọng. Lại khóc. Mãi đến khi được gặp con, nghe con nói: “mẹ ơi con đói”, tôi mừng trào nước mắt”, chị Sương kể.
Ca mổ hở lần thứ 6 chưa giúp bé Phước hoàn toàn khỏe mạnh. Mỗi ngày, bé phải chiến đấu với bệnh tật của mình, chờ ca mổ cuối cùng vào năm tới. Chưa tròn 4 tuổi, bé ý thức được bệnh tình của mình, tự giác uống thuốc đúng giờ. Chị Sương là công nhân giặt là tại một khu resot trên địa bàn, thu nhập vỏn vẹn 3 triệu, chồng chị là thợ điện lạnh. Cả nhà sống nhờ nhà bà ngoại Phước. Chị Sương cho biết: “Lần mổ đầu tiên, vợ chồng vay nợ 18 triệu, trả mãi mới xong. Các lần mổ sau này nhờ có chương trình mổ tim của Hội bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng giúp đỡ, nếu không cũng không biết xoay xở vào đâu, nhà cũng không có mà thế chấp”.
Cháu Phan Văn Tú cùng mẹ sau lần mổ tim thứ 2 chữa van 2 lá |
2. Căn nhà cấp 4 cũ nát của mẹ con chị Huỳnh Thị Hồng ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) giữa trưa cái nóng hầm hập. Nằm trên vùng đất thuộc diện sắp giải tỏa, mọi thứ ngổn ngang và heo hút. Chị Hồng ngồi trong căn chòi lợp tôn, hì hụi rửa rau cải, để ráo chuẩn bị muối chua để mang ra chợ. Đó là công việc của chị 8 năm nay, kể từ ngày cháu Phan Văn Tú, con trai đầu chị ngã bệnh nặng. Tài sản đáng giá nhất trong nhà là chiếc xe máy cũ, máy móc đã rỉ sét qua thời do bị nước muối dưa ăn mòn.
15 năm qua, chương trình chữa tim bẩm sinh của Trung tâm bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng phối hợp với các bệnh viện, tổ chức khám sàng lọc cho 148.537 trẻ em. Đã hỗ trợ phẫu thuật cho 865 em bị bệnh tim bẩm sinh với tổng kinh phí gần 38 tỷ đồng. Đà Nẵng có những chính sách đặc biệt như: Ngoài hỗ trợ cho đối tượng gia đình nghèo, gia đình chính sách, con/cháu thương binh-liệt sĩ, thì những em bé mắc bệnh tim bẩm sinh và mắc thêm một số hội chứng khác như down… cũng được hỗ trợ chữa bệnh. |
Cháu Tú 15 tuổi, trở về sau ca phẫu thuật tim lần 2, mẹ phải cho em ở nhờ nhà dì ruột bởi sợ sức nóng trong căn nhà cũ làm đổ mồ hôi, gây nhiễm trùng vết mổ. Chị Hồng kể, cháu Tú sinh ra khỏe mạnh nhưng lên 3 tuổi, cháu có biểu hiện mệt và khó thở. Vợ chồng bàn nhau đưa con đi khám bác sĩ thì phát hiện bệnh tim. Ban đầu bác sĩ cho uống thuốc. Nhưng thuốc thang đều đặn mà bệnh tình ngày một nặng. Không chỉ bị tim, Tú còn bị khớp. Rồi Tú bị mờ một mắt. Thêm lần ngã gãy chân… Cơn đau này chồng lên cơn đau khác đồng nghĩa với việc của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi, nợ nần ngày một nhiều hơn. Thương con, chị Hồng chạy ngược chạy xuôi, nghe đâu có thầy thuốc nam, thuốc bắc hay chị cũng tìm đến… Chị bảo, nhờ thuốc rồi cháu cũng đỡ. Năm 2010, bác sĩ chỉ định mổ tim sửa van hai lá. Lần 2 được mổ vào tháng 8 năm nay cũng để thay van. Chị Hồng nói, hôm ra viện bác sĩ bảo, cứ khi nào cái van vừa thay không phù hợp nữa thì lại mổ. Chị lại cùng con ra về với hi vọng sẽ kéo dài được lâu hơn lần trước để chị có thời gian làm lụng nuôi con, trả dần số nợ lần trước con lên bàn mổ trả chưa xong. “Cũng may, cả hai lần con mổ, Hội bảo trợ đều hỗ trợ chi phí, nếu không mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc”, chị Hồng nói.
Cuộc sống của gia đình bé Phước, bé Tú sau nhiều lần phẫu thuật hiện khó khăn vẫn chồng chất. Nhưng niềm vui, nụ cười đã hé mở bởi những trái tim đã bắt đầu được tái sinh. Hẳn trong từng nhịp đập ấy, mai này các bé sẽ nhớ đến nơi đã cho mình những nhịp đập bình thường, ngoài cha mẹ là những bác sĩ tận tình, là tấm lòng của Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)