Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hồi sinh và khát vọng!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nắng xuân đã trải đều trên khắp phố phường; Trên đường, xe cộ nườm nượp qua lại như mắc cửi; Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị tấp nập người mua kẻ bán; Nhà hàng, quán cà phê rộn rã tiếng nói cười… Nhìn hình ảnh ấy, ít ai ngờ rằng, thành phố này đã từng trải qua hơn 150 ngày “thập tử, nhất sinh”…

Cuối tháng 5-2021, TP.HCM ghi nhận ổ dịch Covid-19 liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng (Q.Gò Vấp). Liên tiếp sau đó, TP ghi nhận thêm nhiều ổ dịch. Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 31-5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg; riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc, Q.12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp nên từ 0 giờ ngày 9-7, toàn TP.HCM phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Và từ đây, cuộc sống của người dân TP bị đảo lộn hoàn toàn…

1.Tôi may mắn sống ở khu vực không bị phong tỏa. Nhưng vào thời điểm từ gần giữa tháng 7 đến gần cuối tháng 8, khu vực không phong tỏa có khá hơn khu vực phong tỏa mấy đâu. Vào thời điểm này, mọi nhu cầu đều là xa xỉ, tất cả cũng chỉ mong ngày có đủ 3 bữa ăn đạm bạc. Ấy vậy mà có nhiều ngày, tôi đi 5-7 cái siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng không có được một bó rau xanh để mua. Có hôm mới 5 giờ sáng đã phải lọ mọ dậy để đi siêu thị nhưng khi ra đến nơi thì thấy bà con rồng rắn xếp hàng dài cả trăm mét. Vào được bên trong siêu thị là mạnh ai nấy “hốt”, vì chậm chân là không còn gì để mua…

Từ ngày 23-8, TP thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu, ở yên đó”. Giờ thì cái chung cư tôi đang sống im ắng đến lạ kỳ. Trước đây, bọn trẻ con hàng xóm nô đùa ầm trời. Vậy mà những ngày ấy, tuyệt nhiên tôi không nghe một tiếng ho he nào của bọn trẻ. Hình như chúng sợ nếu nô đùa, nói cười lớn tiếng thì “cô vít” sẽ nghe thấy và chui vào nhà bắt chúng đi…

Thời điểm này, bước chân ra khỏi nhà đi mua đồ ăn là điều không tưởng. Chuyện chợ búa đã có… chính quyền lo. Nhưng khổ nỗi, chính quyền bận trăm công nghìn việc nên đâu phải nhờ mua hôm nay thì mai sẽ có. Nhanh thì cũng 3-4 ngày, chậm có khi cả tuần. Lúc đó, chúng tôi mua thực phẩm theo combo của Bách hóa xanh. Trong combo thì để hoành tráng lắm, giá cũng cực kỳ bình ổn. Nhưng đến lúc nhận hàng rồi mới hỡi ôi… Quả dưa hấu tính tiền 2kg nhưng chắc được 1,2kg; 1kg cải thìa thì có đến 600-700gram là để cho… heo ăn. Đó là chưa kể combo nào cũng thiếu 1-2 món. Không chỉ cư dân trong chung cư tôi ở mà cả những người dân sống bên ngoài cũng cùng chung cảnh ngộ. Bức xúc cũng chẳng biết kêu ai, chẳng thể làm gì. Bởi nói cho cùng, vào thời điểm sinh tử đó, được khỏe mạnh ở nhà đã là may mắn, hạnh phúc lắm rồi.

2.Những ngày tháng ấy, chúng tôi không chỉ sống trong cảnh “thèm đủ thứ” mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, bất an. Bởi ngày nào, TP cũng có 8-9 ngàn ca nhiễm, hàng trăm người chết vì Covid-19. Hình ảnh những người mặc đồ bảo hộ trắng toát kiêng thi thể người chết không chỉ trong bệnh viện mà cả ở các con hẻm lớn nhỏ khắp TP; hàng chục chiếc xe cứu thương chở hòm nối đuôi đứng chờ ở khu vực cổng vào lò thiêu Bình Hưng Hòa… tràn ngập mạng xã hội.

Ngay cái chung cư bé nhỏ của tôi, chỉ có gần 130 căn hộ thôi nhưng cứ đôi ba ngày lại nhận được tin nhắn trong group của ban quản lý chung cư thông báo, căn hộ a,b,c,d… có người nhiễm. Trong số vài chục người nhiễm ấy có hai người không qua khỏi.

Tôi còn nhớ, vào một ngày cuối tháng 8, mấy căn hộ trên lầu 14 bỗng ngửi thấy mùi hôi thối lạ kỳ. Tuy nhiên, lúc đó mọi người cứ nghĩ là mùi hôi của ruột cá hay vỏ tôm gì đó. Sau đó, ban quản lý chung cư nhận được điện thoại từ người nhà (không sống ở chung cư) của một cư dân lầu 14 nên đã lên căn hộ kiểm tra. Bấm chuông mãi không thấy mở cửa, bảo vệ đành phá khóa và khi mở được cửa thì phát hiện chủ căn hộ đã tử vong. Có lẽ người này đã mất vài ngày nên mùi hôi mới nồng nặc như vậy…

Một trường hợp khác ở lầu 11. Đi tiêm vắc-xin về được 3 ngày thì cô và chú có biểu hiện sốt, ho nên đã tự test. Sau khi có kết quả dương tính, cả hai đều được đi bệnh viện điều trị do là người lớn tuổi, có bệnh nền. Những ngày sau đó, chúng tôi liên tục nhận được thông báo trong group của chung cư là cô, chú rất yếu. Và khoảng một tuần sau thì cô mất. Còn chú may mắn qua khỏi, sau hơn 2 tuần thì được xuất viện.

Cũng trong cái giai đoạn tang thương ấy, Quang (bạn tôi) đã cùng lúc mất cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ Quang đều đã trên 70 tuổi, hai ông bà sống với nhau trong một căn nhà trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú) và cả hai cùng nhiễm. Nhưng vì đang trong giai đoạn “ai ở đâu ở yên đó” nên con cháu không thể tới chăm sóc; còn bệnh viện lúc ấy thì đang quá tải nên mấy ngày đầu 2 cụ phải ở nhà “tự xử”. Sau đó, anh chị em Quang đã tận dụng tất cả các mối quan hệ để ba mẹ được nhập viện điều trị. Ba của Quang nằm ở Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ; mẹ thì nằm Bệnh viện Triều An, sau đó chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy. Cứ tưởng vào được bệnh viện tuyến trên thì kỳ tích sẽ xảy ra. Nào ngờ… chỉ 10 ngày nhập viện, mẹ của Quang đã ra đi. Và chưa đầy 2 tuần sau đó, anh em Quang tiếp tục mất cha…

Những người bỗng dưng mồ côi như Quang ở TP này trong thời điểm ấy không phải là ít. Thậm chí có nhiều trường hợp mồ côi khi còn đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Có cả những em bé vừa kịp chào đời đã vĩnh viễn mất mẹ và cha cũng chẳng còn…

TP lúc ấy thật sự vô cùng tang thương…

3.Cuối cùng cái ngày mà cả chục triệu người dân TP.HCM mong đợi nhất cũng đã đến… Sau 4 tháng “đóng cửa”, ngày 1-10, TP đã “mở cửa” lại. Dù chỉ “mở cửa he hé”, nhiều hoạt động vẫn còn bị giới hạn nhưng được bước ra đường; được vào siêu thị tự mình chọn bó rau, con cá, miếng thịt, quả dưa… với hàng triệu người là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao.

Thực lòng mà nói, sống ở TP.HCM hơn hai mươi năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy người dân lại hớn hở đến như vậy. Mọi người đổ ra đường đông vui như trẩy hội…

Một tuần, hai tuần, ba tuần… Nhanh chóng sau đó, các dịch vụ của TP cũng được hoạt động. Các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê… nhộn nhịp người ra – vào. Đường sá bắt đầu xảy ra ùn ứ. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán cũng xuất hiện. Các nhà máy, xí nghiệp từng ngày lấp đầy chỗ trống trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Và cổng trường đã không còn đóng im ỉm – Học sinh đã đi học trở lại, dẫu không phải là 100%…

Nhịp sống hối hả của TP năng động nhất nước đã quay trở lại. Biểu đồ chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), bán lẻ – dịch vụ, xuất khẩu… đã không còn đi xuống như các tháng 6, 7, 8 và 9 mà bắt đầu đi lên từ tháng 10… Kinh tế quý 4 của TP đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục.

Vâng! TP.HCM đã hồi sinh với khát vọng vươn lên!

Hòa Triu

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)