Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Hội thảo chuyển nhượng quốc tế FIFA: Chuyển nhượng kiểu… Việt Nam và FIFA

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều đội bóng không biết hợp đồng của Việt Thắng với ĐT.LA khi nào sẽ hết hạn

Nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng cần có thời gian tìm hiểu kỹ hơn hệ thống chuyển nhượng quốc tế.

Bên lề cuộc hội thảo về Hệ thống chuyển nhượng quốc tế FIFA, tổ chức ngay tại trụ sở VFF (Hà Nội), người ta để ý nhiều tới cuộc nói chuyện của GĐKT Nguyễn Văn Hiệp (B.BD) và GĐĐH Phạm Phú Hòa (ĐT.LA). Không phải những quy định quốc tế của FIFA xung quanh việc chuyển nhượng cầu thủ, hay ý tưởng về một hệ thống toàn cầu với cơ sở dữ liệu thống nhất về các cầu thủ chuyên nghiệp, được đăng ký ở từng liên đoàn thành viên của FIFA…, mà vấn đề “rước về” và “chôn chân” cầu thủ nội mới thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự cuộc hội thảo.

Hàng “hot” và giá trị ảo?

Sự kiện Trần Trường Giang rời Tiền Giang về đầu quân cho Bình Dương với mức giá chuyển nhượng 1 tỷ đồng từng gây chấn động làng bóng đá Việt Nam giờ đã là chuyện… cũ. Những bản hợp đồng tiền tỷ nay đã trở thành đương nhiên với những cầu thủ nội có trình độ trung bình, đừng nói tới những gương mặt đóng mác U-23 hay ĐTQG. Do đó, việc T&T.HN “đi đêm” tiếp xúc Nguyễn Việt Thắng và mời chào anh bằng bản hợp đồng trị giá gần 5 tỷ đồng/3 mùa được xem là… bình thường. Chỉ có điều, Việt Thắng vẫn còn hợp đồng với ĐT.LA, và đây là điều mà cả Việt Thắng cũng như T&T.HN đều không… nhớ hoặc biết đến. Chính vì vậy, phía ĐT.LA có cơ sở để phản ứng dữ dội, còn Việt Thắng chỉ còn biết… từ chối khéo, phủ nhận thông tin.

“Tôi không nói con số 5 tỷ đồng là ít hay nhiều với một cầu thủ có trình độ như Nguyễn Việt Thắng. Vấn đề là anh ấy còn hợp đồng với chúng tôi”, GĐĐH Phạm Phú Hòa khẳng định. “Điều đó có nghĩa là đội bóng nào đó muốn đặt vấn đề chuyển nhượng với Thắng, trước tiên phải làm việc với chúng tôi. Việt Thắng chưa bao giờ tuyên bố rời ĐT.LA. Vấn đề là chúng tôi đang tập trung vào giai đoạn cuối của mùa bóng, nên chuyện thảo luận về hợp đồng mới còn chưa được đề cập vì sợ anh ấy mất tập trung”. 

GĐKT B.BD Nguyễn Văn Hiệp chẳng phải là người xa lạ với Việt Thắng. Chính ông Hiệp là người đề xuất lên lãnh đạo CLB việc mua tiền đạo này, làm đối tác với Huỳnh Kesley trên hàng công. Khi được hỏi về vấn đề chiêu mộ Việt Thắng, ông Hiệp cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “B.BD sẽ tuyển mộ một số cầu thủ cho mùa bóng mới, và mục tiêu trước mắt là AFC Cup 2009. B.BD đặt rất nhiều kỳ vọng vào giải bóng đá quốc tế này (đá tứ kết AFC Cup với Chonburi vào 15-9), chính vì thế, việc tuyển mộ cầu thủ sẽ nhanh chóng được tiến hành khi… kết thúc V-League. Chúng tôi không giấu giếm việc quan tâm tới Việt Thắng, trong đó có hai phương án mua cầu thủ hoàn toàn hoặc trao đổi cầu thủ. Tôi không được biết là Việt Thắng vẫn còn hợp đồng với CLB, nhưng kiểu gì, chúng tôi cũng sẽ phải làm việc với ĐT.LA trước tiên. Về giá trị chuyển nhượng, xin phép cho tôi không nêu con số cụ thể, nhưng khẳng định là không thua kém bất kỳ đội bóng nào ở V-League. Vấn đề là chúng tôi có những cơ sở để thuyết phục: phí bồi dưỡng chuyển nhượng, mức lương, lực lượng và tham vọng đội bóng và vị trí địa lý… Nhưng chúng tôi sẽ chỉ đặt vấn đề với Việt Thắng khi có sự đồng thuận của CLB chủ quản”.

Hệ thống chuyển nhượng kiểu… toàn cầu

Ý tưởng về việc xây dựng một “dữ liệu gốc” thông tin về các cầu thủ chuyên nghiệp mà FIFA đang thử nghiệm quả thật sẽ giúp ích rất nhiều. Hệ thống chuyển nhượng quốc tế, với tên gọi tắt là TMS (Transfer Matching System) đã được giới thiệu và áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, được sử dụng qua Internet và do FIFA quản lý. Dự kiến, TMS sẽ chính thức được áp dụng từ tháng 10-2010. Điểm cần lưu ý là TMS chỉ áp dụng đối với các câu lạc bộ và cầu thủ chuyên nghiệp.

Chỉ có điều, cách đây không lâu, cựu Chủ tịch LĐBĐ Dương Nghiệp Chí khẳng định “phải 50 năm nữa, BĐVN mới có thể xây dựng giải chuyên nghiệp”. Cả giải V-League chỉ có 4 đội bóng đáp ứng tiêu chuẩn CLB chuyên nghiệp của AFC là ĐT.LA, B.BD, T&T.HN và TMN.CSG (nay là CLB TP.HCM). Và các cầu thủ nội cũng như ngoại đều còn xa mới thực sự chuyên nghiệp theo nghĩa toàn diện. Đơn cử, những cầu thủ châu Phi hay Brazil đến Việt Nam được chia thành 4 loại: đang thi đấu, hoặc đã nghỉ thi đấu cho CLB ở nước sở tại, cầu thủ tự do, được “cò” giới thiệu. Vì vậy, với 2 trường hợp sau khả năng truy cập tìm thông tin về những cầu thủ kiểu này gần như… bó tay. Chính vì vậy, các đại biểu tham dự hội thảo đều chỉ dừng lại ở việc đánh giá “thú vị, giàu tiềm năng, nên tìm hiểu kỹ và cần có nhiều thời gian hơn”.

Trong thực tế, các đội bóng hạng Nhất hay V-League mỗi khi tìm kiếm ngoại binh đều phải thông qua môi giới cầu thủ, tự đi tìm hoặc tiếp nhận cầu thủ tự đến xin thử việc. “Rất khó để chứng thực thông tin về cầu thủ ngoại”, ông Vương Thành Trung, Phó Chủ tịch CLB CS.ĐT nói, “Khi tiếp nhận một cầu thủ, điều đầu tiên chúng tôi biết về anh ta là lời giới thiệu của người môi giới, tiếp đến là bản lý lịch cá nhân và giấy chuyển nhượng quốc tế. Cũng có thể tìm kiếm thông tin về anh ấy ở trên mạng, nhưng ai đảm bảo những thông tin đó là xác thực, khi website đó do chính anh ấy lập nên”.

Trường hợp này đã từng xảy ra với QK4 ở mùa giải trước khi đội bóng này lên hạng V-League, trước khi nhờ người môi giới cung cấp cầu thủ. Do đó, TMS trong chừng mực nhất định cũng chỉ có tác dụng rất nhỏ, giúp các CLB thực sự có… tiền muốn thuê cầu thủ chuyên nghiệp đích thực. Còn lại, “hàng tự do” vẫn là đích ngắm của các đội bóng Việt Nam.

Thành Lương (theo thanhnien)


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)