Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hội thảo khoa học quốc gia văn học miền Trung nửa sau thế kỷ XX

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 1-6, tại Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia văn học miền Trung nửa sau thế kỷ XX. Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu là các giáo viên, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường THPT, các trường ĐH, Viện nghiên cứu trên cả nước…


TS.Hà Ngọc Hòa – Trưởng Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài viết của quý thầy cô giáo, các nhà khoa học, những người yêu thích văn học từ các trường đại học, trung học phổ thông, trung tâm nghiên cứu trên cả nước và chọn được 55 bài in vào kỉ yếu. Các bài viết đều mang tính chuyên sâu khi nghiên cứu, lí giải thuyết phục những đổi mới của văn học miền Trung qua các hệ chủ đề, đề tài với nhiều nội dung khác nhau. Qua đó nhằm khẳng định những thành tựu và những đóng góp của văn học miền Trung cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Dựa trên những vấn đề được triển khai, cho thấy phần lớn các bài viết tập trung nghiên cứu văn học miền Trung qua các thể loại thơ, văn xuôi, báo chí, lí luận phê bình, tuồng,…

Các bài viết chia thành các nhóm như: Nhóm những bài viết về các nhà văn, nhà thơ ở các đô thị miền Nam trước năm 1975; Nhóm viết về thành tựu văn học miền Trung trước và sau năm 1975; Nhóm nghiên cứu văn học tôn giáo; Nhóm viết về các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình ở dọc đường miền Trung sau 1975.


Các đại biểu tham dự hội thảo 

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS.Hà Ngọc Hòa, Trưởng khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Khoa học –ĐH Huế cho biết, theo những diễn biến thăng trầm của lịch sử mà văn học hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX nói chung và văn học miền Trung nói riêng đã có nhiều thay đổi. Nếu như sau cách mạng tháng Tám năm 1945, miền Bắc tiến hành công cuộc kháng chiến chống Pháp “Chín năm làm một Điện Biên” và từng bước xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thì ngược lại ở miền Nam vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, văn học miền Nam đã có những lối đi, những thành tựu riêng vừa khẳng định được mình lại vừa góp phần thúc đẩy văn học Việt Nam tiến nhanh trên con đường hiện đại. Trong những năm tháng văn học hai miền Nam – Bắc vận hành trên trục lịch sử ấy, thì văn học miền Trung vẫn phát triển tự nhiên nhi nhiên, hoà mình vào dòng chảy chung của văn học dân tộc. Để rồi, sau năm 1975, thống nhất đất nước, văn học miền Trung lại tiếp tục khẳng định mình trên các lãnh vực văn hoá nghệ thuật trong tương quan so sánh với các miền trên cả nước. Có thể thấy, nếu không có những đóng góp lớn lao về tác giả – tác phẩm đa dạng, phong phú của văn học miền Trung thì văn học Việt Nam đương đại khó đạt được nhiều thành tựu lớn lao như hiện tại. Để ghi nhận và góp phần khẳng định diện mạo văn học miền Trung trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ Văn trường ĐH Khoa học – ĐH Huế tổ chức hội thảo quốc gia “Văn học miền Trung nửa sau thế kỷ XX”.

“Hội thảo khoa học quốc gia “Văn học miền Trung nửa sau thế kỷ XX” là sự tiếp nối thành công của những lần hội thảo trước như “Văn chương xứ Huế trong tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX”, “Văn học miền Trung nửa đầu thế kỷ XX”. Chính sự lựa chọn có chủ đích mà khoa Ngữ văn trường ĐH Khoa học – ĐH Huế đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc trên cả nước diện mạo (dẫu chưa thật đầy đủ) văn học miền Trung thế kỷ XX. Ban tổ chức hy vọng thông qua những lần hội thảo, các nhà khoa học không chỉ hiểu thêm về địa văn hoá, con người miền Trung mà trên cơ sở ấy sẽ giúp các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu, đào xới những vỉa tầng đang còn khuất lấp đâu đó để cho văn học miền Trung ngày càng được khẳng định và có nhiều đóng góp hơn cho nền văn học Việt Nam đương đại”, TS.Hà Ngọc Hòa nhấn mạnh.

Vĩnh Yên

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)