Tại TP.HCM vừa diễn ra Hội thảo quốc gia thường niên lần thứ nhất về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội thảo do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam tổ chức nhằm góp phần phổ biến và triển khai thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ tháng 1-2023 và Nghị định 17/NĐ-CP đến với các tổ chức, cá nhân trên cả nước nói chung, đặc biệt là những điều chỉnh pháp luật quan trọng về quyền sao chép nói riêng.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã giới thiệu một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, phân tích các khía cạnh liên quan đến quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả; hướng dẫn quy trình và thủ tục đăng ký quyền tác giả; các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự để bảo vệ quyền tác giả.
Đặc biệt, hội thảo đã đánh giá thực trạng và bàn các giải pháp giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền, các biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo các chuyên gia, qua đánh giá sơ bộ, hiện nay ở Việt Nam, các tổ chức xã hội, cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu còn nhận thức rất hạn chế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, hành vi xâm phạm tác quyền còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường. Nổi cộm là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số với lối mòn suy nghĩ rằng sử dụng sản phẩm sao chép, đạo nhái, vi phạm bản quyền là việc… bình thường.
Bà Nguyễn Thị Sánh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam cho biết, hiện tượng vi phạm bản quyền thế giới, đặc biệt là sao chép tác phẩm tự do đang diễn ra một cách công khai ở nước ta đã thành vấn nạn từ nhiều năm nay.
Không chỉ các cơ quan chức năng đau đầu, mà các tổ chức thế giới cũng đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ xâm phạm bản quyền ở top cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền. Có thể kể như: Thói quen “dùng chùa” các công trình sáng tạo của người khác; Tùy tiện lấy các bài viết, công trình nghiên cứu trong các tuyển tập, toàn tập để làm các tập sách chuyên đề riêng; photocopy làm phương tiện tích hợp tài liệu; download chia sẻ thông tin trên mạng xã hội…
“Tình trạng này chẳng những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của tác giả mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài về ý thức và trách nhiệm đối với sản phẩm trí tuệ của nhân loại sẽ tạo nên một thế hệ ăn cắp chất xám của người khác”, bà Sánh cho biết.
Thông qua hội thảo, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà sáng tạo, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, cũng như thảo luận về cách thức triển khai và thực hiện một cách hiệu quả việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua thực thi quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Hồ Trinh
Bình luận (0)