Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hội thảo “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” hướng tới Trường Sa

Tạp Chí Giáo Dục

 Ngày 15/6, tại TP. Nha Trang, Ban tổ chức Festival Biển phối hợp với Viện Văn Hóa – Nghệ thuật Việt đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Festival Biển 2011 “Nha Trang – Biển hẹn” và nhằm hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia các tỉnh duyên hải Nam trung bộ với chủ đề “Du lịch biển đảo”.
Khánh Hòa là một trong những địa phương có đường bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam với 6/9 huyện thị, thành phố và 48/140 xã phường, thị trấn ven biển và trên đảo. Đường bờ biển kéo dài từ xã Đại Lãnh, huyện cực bắc tỉnh là Vạn Ninh đến cuối vịnh Cam Ranh (TP. Cam Ranh, cuối tỉnh) có độ dài 385 km và tính theo mép nước có nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, cùng với 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa”. Ảnh: Vân Anh

Ngoài 6 đầm và vịnh lớn là Đại Lãnh, Vân Phong, Hòn Khói, Nha Phu, Nha Trang và Cam Ranh, Khánh Hòa còn có các đảo san hô thuộc huyện Trường Sa, có khoảng 100 đảo bãi cạn, bãi ngầm rải rác trên diện tích khoảng 180.000 km2, trong đó có từ 23 đến 25 đảo bãi cạn nổi thường xuyên, với tổng diện tích 10 km2. Quần đảo Trường Sa nằm ở phía nam biển Đông, cách Cam Ranh 250 hải lý, là vị trí tiền tiêu bảo vệ sườn đông của đất nước, cũng như các vùng biển và bờ biển Việt Nam.
Khánh Hòa là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển về du lịch biển đảo gắn với việc bảo vệ, phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong xu thế phát triển và hội nhập. Theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa X “Về chiến lược biển đảo Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam trở thành một quốc gia biển”; chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa khóa XV: “Phấn đấu đến năm 2020 đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển đảo, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển chiếm 55-60% GDP toàn tỉnh; tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của kinh tế biển đạt 7.000 tỉ đồng”.
Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” là dịp để các nhà khoa học và các cấp quản lý ở Khánh Hòa cùng bàn thảo và đưa ra các giải pháp nhằm tiếp cận, nghiên cứu và làm rõ những giá trị văn hóa đặc trưng về biển, đảo trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân vùng ven biển đảo, đảm bảo tính khoa học và yêu cầu phát triển bền vững.
Đối với Trường Sa, hội thảo nhằm hướng tới việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy tác dụng những di sản văn hóa liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền và xây dựng quần đảo Trường Sa; qua đó góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đối với đất nước. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong việc tiếp nối cha anh giữ vững chủ quyền biển đảo, một bộ phận lãnh thổ rộng lớn, quan trọng và giàu tài nguyên của Tổ quốc.
Theo Vân Anh
(Tamnhin.net) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)