Dù còn nhiều quan điểm bất đồng về nguyên nhân dẫn đến tâm thế, tư duy và lối sống của người Việt hiện nay nhưng hầu hết các học giả đều cho là: người Việt hiện nay… xấu xí.
Ngày 20/3 và 21/3, Viện Triết học Việt Nam đã kết hợp cùng CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức hội thảo “Đặc điểm tư duy và lối sống của người Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế” tại TPHCM. Nhiều học giả về văn hóa và triết học của cả nước đã bàn luận về lối sống người việt hiện nay và phải làm gì để hòa hợp với xã hội hòa nhập trong tương lai.
Thạc sĩ Lê Minh Tiến, Giảng viên ĐH Mở TPHCM, đưa ra hàng loạt lối tư duy xấu xí của người Việt hiện nay như: không hề thấy có lỗi khi đến trễ hay làm việc trễ; xét đoán mọi việc lẫn lộn giữa tình và lý; đùn đẩy trách nhiệm vì xem trách nhiệm tập thể cao hơn trách nhiệm cá nhân; chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi lâu dài; thích làm theo hơn là sáng tạo; trọng “danh” và “sĩ”…
Theo ông Tiến, cái gốc của lối tư duy này phát sinh từ lối sống nông nghiệp bao đời nay của người Việt vẫn chưa sửa được, lối sống cộng đồng phát sinh thành tâm lý bầy đàn, “ai sao tui vậy” che mờ đi trách nhiệm cá nhân nên dẫn đến nhiều hệ lụy vì không phù hợp với xã hội công nghiệp hóa hiện nay.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thì lấy tâm lý của bộ phận công chức ra để chứng minh cho tư duy trọng tập thể, né tránh trách nhiệm cá nhân. Ông cho là mọi cải cách thủ tục hành chính đều vô hiệu nếu người thực hiện (công chức) không có tư duy tốt.
Vì chính tư duy sợ trách nhiệm cá nhân nên họ không tin cả người dân đến làm việc với mình, đòi hòi đầy đủ giấy tờ thủ tục một cách máy móc và khô cứng, thiếu linh động dẫn đến trì trệ và mất thời gian cho người dân. Bởi họ sợ sai một chút gì là mình chịu, dẫn đến việc nước ta cải cách hành chính mười mấy năm qua nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Còn Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, một nhà hoạt động xã hội, thì lấy một hình ảnh thực tế để chứng minh cho tư duy “xấu xí” của người Việt. Đó là sự hỗn độn và xô bồ của điểm kẹt xe, ai cũng tranh nhau tiến về phía trước, chẳng ai nhường ai, để rồi ai cũng kẹt lại.
Theo bà, đó là tâm lý cái lợi giành cho mình, cái hại đẩy người khác. Từ việc sợ trách nhiệm cá nhân đã đẩy lên thành một chủ nghĩa cá nhân cực đoan trong lòng người Việt. Sự bất lực của các tổ chức quản lý giao thông chứng tỏ sự bế tắc và thiếu tầm trước một xã hội đang hiện đại hóa và thay đổi từng ngày. Và cũng chính những bon chen, bực bội ấy ngoài đời mà người Việt đem về nhà để trút giận lên người thân, gây tổn thương cho nhau, bạo lực gia đình gia tăng…
Nhiều học giả cho là người Việt cần đổi mới tư duy và lối sống để thích nghi tốt trong thời kỳ hội nhập. GS.TS Tô Duy Hợp cho là: “Thực trạng tư duy của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cần phải thực hiện đổi mới…”.
Nhưng Thạc sĩ Oanh lại đang lo lắng về sự “đổi mới” quá nhanh theo chiều hướng tiêu cực của giới trẻ. Bà kể, một chuyên gia Việt kiều mới về nước, thấy cảnh giới trẻ ùn ùn đi chơi ngày lễ Valentine đến nỗi kẹt đường phải thốt lên: “Người Việt Nam còn Mỹ hơn cả người Mỹ ở Mỹ”.
Cách ăn mặc hở hang dù trời nắng gắt hay lạnh giá, những ngôn ngữ lạ kỳ và lối sống đua đòi… Đó là sự ngoại lai, tây hóa không chọn lọc. Theo bà, nguyên nhân chính là từ nền giáo dục gia đình và nhà trường yếu kém hiện nay không trang bị cho các em đủ bản lĩnh để thích nghi và phát triển theo chiều hướng tính cực trong xã hội phát triển chóng mặt như hiện nay.
GS Nguyễn Tài Thư cho rằng, lối sống của người Việt hiện nay không đơn thuần là lối sống nông nghiệp, mà trước sự hội nhập của kinh tế đất nước, nó cũng đang đổi mới và hội nhập.
GS Trần Ngọc Thêm cũng cho là mô hình văn hóa Việt Nam đang có cuộc chuyển đổi. Tuy nhiên, sự chuyển đổi ấy hiện nay và tương lai như thế nào, tốt hay xấu, còn tùy thuộc vào ngành giáo dục, văn hóa và cả bộ máy hành chính cũng như gia đình mỗi người.
Tùng Nguyên (Dan tri)
Bình luận (0)