Khoa học - Công nghệ

Hội thảo về về những vấn đề pháp lý, kinh tế và phát triển bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Trường ĐH Luật TP.HCM, ĐH Chiang Mai (Thái Lan), ĐH Nantes (Pháp) đã cùng tổ chức Hội thảo khoa học về những vấn đề pháp lý, kinh tế và phát triển bền vững.

Các học giả, chuyên gia và nhà nghiên cứu tham dự hội thảo

Hội thảo là một diễn đàn khoa học quan trọng tập trung các học giả, chuyên gia và nhà nghiên cứu từ 8 quốc gia thuộc Châu Á và Châu Âu gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những vấn đề pháp lý, kinh tế và phát triển bền vững.

Hội thảo thảo luận nhiều chủ đề được quan tâm như: “Quan hệ quốc tế”, “Các khía cạnh đặc thù của Hiệp định Thương mại Tự do”, “Môi trường và Lao động”, “Chuyển dịch dữ liệu xuyên biên giới và Nền kinh tế số”.

Với chủ đề “Chuyển dịch dữ liệu xuyên biên giới và Nền kinh tế số” do ThS. Lê Trần Quốc Công và ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy (Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày đã đặt vấn đề “Tác động của các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu lên sự phát triển của luật pháp ở các nước ASEAN”. Hai tác giả đã nhấn mạnh tham vọng xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng số hàng đầu và một khối kinh tế mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các dịch vụ số an toàn và chuyển đổi, công nghệ và hệ sinh thái số. Hai tác giả cho rằng, quyền riêng tư của mỗi công dân ASEAN cần được đảm bảo dựa trên các giá trị độc đáo của điều kiện văn hóa xã hội của từng quốc gia thành viên.

Chuyên gia chia sẻ góc nhìn của mình tại hội thảo

Bài tham luận của ThS. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền (Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM) và ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy (Thư ký tòa soạn Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam) cũng cho rằng, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới đã trở thành trọng tâm toàn cầu do gắn liền với dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, các mối quan tâm về quyền riêng tư đối với dữ liệu cá nhân và an ninh quốc gia được diễn giải khác trong pháp luật quốc gia và hiệp định quốc tế gây ra thách thức lớn cho tự do hóa dữ liệu trong khuôn khổ thương mại quốc tế. Đơn cử, EVFTA cho phép các bên áp dụng biện pháp để bảo vệ lợi ích công hợp pháp, bao gồm mục tiêu bảo vệ dữ liệu, nhưng quy định này gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển vì thiếu sự cụ thể trong việc chứng minh, khiến các quốc gia có thể lợi dụng để ban hành các rào cản pháp lý lẫn kỹ thuật gây ra hiệu ứng hạn chế thương mại, hạn chế dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới. Trong bối cảnh này, nhóm tác giả cho rằng, quy định mới về luồng dữ liệu dựa trên sự tin cậy (trust) như tại Hiệp định Đối tác Kỹ thuật số EU-Singapore (EUSDP) giúp giảm bớt gánh nặng hành chính và chi phí tuân thủ.

ThS. Mạc Trang Anh (Công ty Luật IndoChina) cho rằng, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu và các nền tảng trực tuyến cung cấp nhiều cơ hội để phát triển kinh tế số nhưng cũng tạo ra các thách thức pháp lý, bao gồm quản lý luồng dữ liệu xuyên biên giới và tiêu chuẩn an ninh mạng.

Hồ Trinh

Bình luận (0)