Vừa qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang công diễn vở cải lương truyền thống cách mạng Câu hò đất mẹ với cách khai thác và xây dựng đầy mới lạ. Vở diễn đã chạm đến trái tim khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Nhẹ nhàng và đậm chất tình
Sau suất diễn đầu tiên, Câu hò đất mẹ (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, chuyển thể cải lương: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Lê Trung Thảo) đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả: hiệu quả khai thác chiều sâu tâm lý, số phận nhân vật, tính thực tiễn, cấu trúc và thủ pháp dàn dựng hiện đại, khéo ứng dụng hình thức dàn dựng như trong phim ảnh…
Một cảnh trong vở cải lương Câu hò đất mẹ
Dõi theo câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, sự hy sinh cao cả của nhân vật chính là hai anh hùng dân tộc Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, người xem bắt được nhiều khoảnh khắc rung động. Câu chuyện kể về các anh hùng nhưng rất đời, rất tình, thể hiện qua những cuộc đối thoại, chuỗi hành động, những chuyển biến cảm xúc hợp lý, nhẹ nhàng, gần gũi. Đặc biệt, đối mặt giữa sự sống và cái chết, giữa niềm vui và buồn đau chia ly, giữa lý tưởng cách mạng cao cả và hạnh phúc gia đình nhỏ bé…, các tuyến nhân vật được bàn tay đạo diễn sắp xếp tinh tế, phá cách bằng cách dựng đan xen giữa thực và mơ, hiện tại và quá khứ cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của âm thanh, ánh sáng, thiết kế cảnh trí sân khấu 3D…
Trước đó, vở múa Hoàng hôn (biên đạo Nguyễn Phúc Hải và Nguyễn Phúc Hùng) của Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM (HBSO) công diễn vào cuối năm 2022 cũng từng tạo nên bao xúc cảm cho người xem. Đề tài chiến tranh cách mạng nhưng không phải cảnh người lính, chiến trường, bom đạn… mà không gian gói gọn trong tâm tình của những người phụ nữ bé nhỏ nơi hậu phương với khung ảnh, bộ quân phục còn lại, với khát khao sống, mong muốn đất nước hòa bình, hy vọng gặp lại người thương. Tất cả được thể hiện bằng kỹ thuật trình diễn hình thể, vũ đạo và sự hợp tác ăn ý của dàn diễn viên múa tài năng HBSO.
Làm mới để tiếp cận khán giả hiện đại
Ở xã hội hiện nay, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật hiện đại được công chúng quan tâm và đón nhận trên nhiều phương diện thông tin truyền thông, thì đề tài chiến tranh cách mạng cùng tác phẩm sân khấu vẫn luôn giữ vững giá trị cao quý trong dòng chảy hoạt động và phát triển văn hóa nghệ thuật, trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc dàn dựng, khai thác, sáng tạo tác phẩm sân khấu trong thời đại mới luôn cần phát huy nhiều hơn nhân tố con người – tâm điểm của cuộc sống, của thời cuộc, là ngọn nguồn của mọi tư duy, quan điểm, hành động, xu hướng…
Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng cho biết: “Trong nghệ thuật, trước nay người làm sân khấu cứ bị rập khuôn trong dàn dựng, theo khung cũ, mang tính an toàn, phản ánh câu chuyện cách mạng bằng bục bệ, vác đạn, súng trên sân khấu, hô hào khẩu hiệu… Điều đó không chỉ làm mất đi những cảm hứng của diễn viên và ê kíp sáng tạo, mà còn rất dễ làm khán giả ngao ngán, người trẻ càng không thích xem. Riêng tôi thích đi ngược lại sự rập khuôn đó. Từ câu chuyện thật, đã cũ, chúng tôi tâm tư sáng tác kịch bản mới. Khi bắt tay dàn dựng, chúng tôi chú trọng khai thác những câu chuyện kể về tình yêu, sự mất mát, nỗi đau trong thời chiến rất đẹp, nhiều cảm xúc rung động… để qua đó diễn tả cuộc đấu tranh cách mạng, câu chuyện cách mạng hào hùng”.
Trong xu hướng giải trí của khán giả ngày nay, việc sáng tạo nghệ thuật để có các tác phẩm sân khấu cách mạng mới, hấp dẫn luôn là mong muốn của người làm nghệ thuật. Trong đó, cách thức thể hiện sân khấu phải gần gũi nhu cầu giải trí của con người thời đại; tác phẩm phản ánh lịch sử đấu tranh cách mạng, con người cách mạng phải gắn với dòng chảy và nhịp sống của thời đại; thời gian trình diễn vừa phải, không kéo dài lê thê… Những điều kiện cần có ấy khi hội đủ sẽ dễ dàng tiếp cận khán giả thế hệ mới, nhất là khán giả trẻ.
Theo Thúy Bình/SGGPO
Bình luận (0)