Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hội thơ vài “vần” thơ thẩn…

Tạp Chí Giáo Dục

Khách thơ đọc thơ in trên các bình gốm một cách hứng khởi
Ngày thơ Việt Nam 2010 mới diễn ra và dưới đây là vài “vần” ghi nhận được từ nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến, PV Báo Thanh Niên: Vui, hài và hồn nhiên, lãng mạn, thơ thẩn hệt như thơ vậy!

Cập nhật lại cách đây 55 phút

>

Khoảng hai tháng trước, “bộ tư lệnh” tổ chức Ngày thơ do nhà thơ Hữu Thỉnh làm “tư lệnh trưởng” đã xắn tay, đôn đáo vào cuộc. Nhưng “hình như việc nào ông cũng phải nhúng tay vào, mà “lộc lá” thì có được nhiều nhặn gì đâu, ông Hữu Thỉnh cũng chỉ có được một câu thơ hay thả lên giời trong ngày thơ bình đẳng như các nhà thơ khác thôi!”, một thành viên ban tổ chức cho biết.

Từ 15 chiếc bình… hơi méo

Nhà thơ Đỗ Trung Lai có lẽ là người vất vả nhất trong ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Ông cho biết cách đây 2 tháng, tóc ông chỉ bạc bằng nửa bây giờ. “Tôi phải đi chấm thơ khắp mấy trường đại học, cả ở Hà Nội, cả ở Thái Nguyên, rồi làm "em-xi" trong các đêm thơ, rồi cùng các em dựng tiết mục trong Đêm chung kết thơ sinh viên ngày 14 tháng Giêng. Nhưng công việc vất vả nhất là chuẩn bị cho Ngày thơ rằm tháng Giêng. Các anh trong Hội Nhà văn chọn 55 câu thơ hay trong suốt 10 thế kỷ, giao cho tôi mang sang Bát Tràng thể hiện nung trên gốm sứ. Đêm 29 Tết tôi còn lặn lội ở Bát Tràng, tôi không được ăn Tết".

Vậy mà sát ngày đem thơ trên gốm sứ ra trưng bày ở Văn Miếu thì mấy ông bên Bát Tràng gọi điện thoại cho tôi bảo “15 chiếc bình lớn (75 – 80 phân) in 15 bài thơ cổ điển của 15 nhà thơ nổi tiếng VN đã nung xong, màu men đẹp vô cùng nhưng mà hơi bị… méo, các anh có dùng không?”. Thế thì có khổ tôi không chứ!”. Ông Lai kể rằng nghệ nhân nổi tiếng nhất làng gốm Bát Tràng than thở với ông: “Công việc nung hơn 600 sản phẩm gốm, sứ in thơ (cả to lẫn nhỏ), các bác phải đặt trước cả nửa năm thì em mới làm được, chứ bây giờ chỉ có hai tháng thì chúng em làm sao nổi!”. Do vậy, để kịp thời phục vụ triển lãm thơ gốm sứ ở Văn Miếu, ban tổ chức đã phải mua lại hơn nửa ngàn chiếc bình gốm, sứ Bát Tràng, dán đề-can thơ lên trên rồi đem nung lại.

Không hiểu nhà thơ Đỗ Trung Lai xử lý chuyện “bình méo, bình tròn” thế nào, chỉ biết trong ngày khai mạc hội thơ, 15 chiếc bình gốm lớn đẹp óng ả, xếp dọc giếng Thiên Quang tại Văn Miếu khiến bao du khách phải trầm trồ, dán mắt vào đọc các bài thơ nổi tiếng của tiền nhân in trên đó. Bên cạnh các “cụ thơ” tiền nhân là lũ lượt, ngổn ngang nào bình, nào lọ, nào đĩa… in 55 câu thơ hay của các nhà thơ cận đại và đương đại. Việc sản xuất đại trà hơn 600 sản phẩm thơ trên gốm, sứ trong một thời gian ngắn cũng dẫn đến việc không kiểm soát hết chất lượng của từng chiếc. Vì vậy, mới xảy ra việc có câu thơ của cố nhà thơ Chính Hữu in trên bình gốm bị sai… chính tả.

Tôi trêu nhà thơ Đỗ Trung Lai: “Chắc mấy nghệ nhân Bát Tràng nung quá lửa, nên chữ nó mới quăn từ “sấu” thành “xấu” và “đêm Hà Nội” lộn thành “Hà Nội đêm”, phải không bác?”. Ông Lai cười hồn nhiên: “Triển lãm xong, ông đập hết, bắt nung lại cho biết thế nào là sai…chính tả!”.

Ông Lai tâm sự: “Ông Hữu Thỉnh bảo chúng tôi: 7 lần tổ chức Ngày thơ Việt Nam rồi, chúng ta cố gắng lần này làm cho chuyên nghiệp hơn. Tôi cho rằng, mấy ông nhà thơ thì làm sao mà chuyên nghiệp được vì cách tổ chức ngày thơ nó ngẫu hứng lắm. Thời gian thì không có, hai tháng trước ngày thơ, "trên" mới cho tiền, mọi chuyện cứ vắt chân lên cổ mà chạy. Vả lại, ngày hội thơ năm nào chả có chuyện. Sân khấu thơ vừa mới bày xong, người yêu thơ đã nhảy lên chen nhau đòi chụp ảnh, phá nát cả sân khấu chính. Đến lúc ban tổ chức giới thiệu các nhà thơ lên đọc thơ, ông có tên trong danh sách đọc thì gọi mãi chẳng thấy đâu, ông không có tên trong danh sách đọc thơ thì cứ nằng nặc đòi lên đọc. Khi mời được ông viết thư pháp lên sân khấu trình diễn thì quay đi quay lại tìm mãi chẳng thấy mực, thấy bút, thấy nghiên, thấy giấy viết thư pháp đâu cả…

 


Ngày thơ được tổ chức khá trang trọng – Ảnh: Việt Chiến

Đến câu thơ dịch sai nghĩa thả lên trời

Một trong những sự cố “cười ra thơ” trong ngày thơ Việt Nam rằm tháng Giêng vừa qua là việc, khi các MC Đỗ Trung Lai và Dương Dương Hảo lên sân khấu, đang lên giọng bổng trầm đọc lần lượt 50 câu thơ hay được tuyển chọn để thả lên giời thì bị nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam “cướp diễn đàn”. Ông Phương lách mọi người, cầm micro tiến ra mặt tiền sân khấu với vẻ mặt đầy quan trọng (chứ không ngẫu hứng) thông báo việc ông lên diễn đàn là để "đính chính” cho một câu thơ sắp được thả. Trước tiên, nhà thơ Vũ Quần Phương xin lỗi các nhà nho học về việc ban tổ chức đã thiếu sót, dẫn đến việc đưa nhầm bản dịch câu thơ của Mãn Giác Thiền Sư. Ông Phương vừa phát hiện bản dịch bài thơ cổ điển này đã dịch không sát với nghĩa của bài thơ nổi tiếng mà vẫn được thả lên giời.

Theo ông Phương, câu thơ: "Sự trục nhãn tiền quá/Lão tòng đầu thượng lai" phải được dịch như bản của cố nhà văn Ngô Tất Tố là "Trước mắt việc đi mãi/Trên đầu già đến rồi", chứ không phải "Việc còn chờ trước mắt/Trên đầu tóc đã phai", như bản dịch mà ban tổ chức cho thả lên giời. Đây có thể nói là cách sửa sai hồn nhiên khá chân thành của một nhà thơ trong ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Mặc dù ban tổ chức đã đính chính và xin lỗi là thế, nhưng câu thơ của Mãn Giác Thiền Sư vẫn được thả lên trời với một bản dịch chưa sát nghĩa. Thôi, có lẽ các bậc tiền nhân cũng rộng lượng bỏ qua cho việc sơ suất của lớp hậu bối chỉ vì yêu thơ quá mà có lúc hóa nhầm lẫn.

Trao đổi với các nhà báo sau sự cố này, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: “Các ông ấy tưởng mọi người không biết, nên không muốn đính chính, nhưng tôi vẫn phải xin lỗi độc giả thơ vì bài thơ nổi tiếng của Mãn Giác Thiền Sư có nhiều bản dịch, cái sai này nằm trong một bản dịch, có lẽ các anh ấy không đối chiếu kỹ về nghĩa thực của chữ Hán với chữ Nôm nên bản dịch thơ này đã làm lạc mất cái ý chính bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư. Bản dịch bài thơ này của cụ Ngô Tất Tố trước đây là rất đúng cả về nghĩa và về thơ, nhưng không hiểu vì sao ban tổ chức lại không dùng bản dịch của cụ Ngô Tất Tố mà lại dùng bản dịch bị sai nghĩa này?”.

Phóng viên Thanh Niên đặt câu hỏi: “Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, tại sao ông không chọn bản dịch đúng?”. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho hay, ông đã chọn bản dịch đúng nghĩa nhưng không hiểu vì sao ban tổ chức vẫn dùng bàn dịch chưa sát nghĩa? Như vậy là một bài thơ dịch chưa sát nghĩa đã được thả lên giời trong Ngày thơ Việt Nam 2010. Mong rằng năm sau sự cố này không lặp lại.

Nguyễn Việt Chiến (Theo TNO)

Bình luận (0)