Hội trại truyền thống 9-1 lần thứ 10 năm 2016 chủ đề “Tự hào học sinh thành phố học tập và làm theo lời Bác” sẽ diễn ra vào ngày 9-1 tại Sân vận động Hoa Lư (Q.1) hứa hẹn sẽ đem đến cho các em học sinh TP.HCM những kỷ niệm khó quên.
Một hoạt động trong Hội trại truyền thống 9-1 năm 2015. Ảnh: Linh Vy |
Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, ông Nguyễn Văn Gia Thụy (Phó trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: Hội trại năm nay lần đầu tiên quy tụ trại sinh của 8 cụm trại trên địa bàn thành phố về một nơi sau 5 năm được tổ chức ở các cụm trại, với hơn 5.000 em. Để thực hiện tốt công tác quản lý và hỗ trợ các em, số lượng giáo viên được huy động cũng tăng gấp 3 lần so với mọi năm. Và với số lượng trại sinh, giáo viên đông như vậy, Sân vận động Hoa Lư là địa điểm được lựa chọn để đảm bảo sức chứa và không gian tổ chức các hoạt động cho các em. Theo đó, Ban tổ chức cho dựng 6 hệ thống nhà bạt (có diện tích 25 x 60m) để tránh nắng cho trại sinh. Ngoài ra, trại của các cụm cũng được thuê đồng bộ với diện tích lớn để các em có chỗ nghỉ ngơi những lúc mệt mỏi.
PV: So với các lần tổ chức trước đây, Hội trại truyền thống 9-1 năm nay có gì mới lạ và hấp dẫn, thưa ông?
– Chương trình hội trại năm nay được thiết kế chặt chẽ với nhiều hoạt động bổ ích, giúp các trại sinh vừa được vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống, vừa gợi lên lòng tự hào dân tộc, về thế hệ học sinh – sinh viên qua từng giai đoạn đấu tranh bảo vệ và phát triển đất nước. Theo đó, các trại sinh sẽ được tham gia nhiều gian hàng bổ ích như gian hàng khoa học vui, gian hàng thư pháp, trò chơi dân gian, khoa học kỹ thuật, gian hàng trưng bày thành quả hoạt động TDTT của học sinh thành phố. Đặc biệt, hội trại năm nay sẽ có gian hàng hướng nghiệp giới thiệu 13 nhóm ngành nghề với sự tư vấn của 60 giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành về tính chất ngành học, bậc học. Bên cạnh đó, 1.000 trại sinh sẽ tham gia nhảy flash mob trên nền nhạc bài hát truyền thống của hội trại Khát vọng từ ngọn lửa thiêng. Đặc biệt, phần sân khấu hóa tái hiện lịch sử Việt Nam từ thời Lạc Long Quân – Âu Cơ cho đến ngày nay, được chia về cho 8 cụm trại sẽ giúp các trại sinh hình dung được quá trình lịch sử dân tộc qua các giai đoạn đấu tranh. Trong đó, phần tái hiện quá trình đấu tranh của phong trào học sinh – sinh viên sẽ được nhấn mạnh nhằm giúp các em hiểu được tầm quan trọng của đối tượng này trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển đất nước. Ngoài ra, địa điểm rước đuốc truyền thống năm nay là bến Nhà Rồng, một vị trí gắn liền với những cột mốc lịch sử.
Trước hội trại, 197 gương học sinh tiêu biểu của 8 cụm trại tham gia hành trình trải nghiệm với các hoạt động: Thăm bến Nhà Rồng, thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố; thăm Khu công nghệ cao, Trung tâm Cai nghiện ma túy Bình Triệu để có được những trải nghiệm đa dạng, sâu sắc về cuộc sống xung quanh mình.
Với số lượng trại sinh đông như vậy, công tác đảm bảo an toàn cho các em được triển khai như thế nào, thưa ông?
– Ngoài số lượng giáo viên được huy động cho hội trại, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi các đơn vị như Điện lực TP, Công an TP, Sở Y tế, UBND Q.1… về việc điều động nhân sự, dụng cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho trại sinh.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Anh (thực hiện)
Bình luận (0)