Y tế - Văn hóaThư giãn

Hollywood với Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 Trong lịch sử điện ảnh Hollywood, chiến tranh Việt Nam chiếm một mảng vô cùng quan trọng và có sự “tham chiến” của hầu hết các tên tuổi lừng danh nhất như: Stanley Kubrick, Francis Ford Coppola, Oliver Stone…


Một cảnh trong phim Apocalypse Now

Người ta chia mảng phim chiến tranh Việt Nam ra nhiều giai đoạn khác nhau cùng hàng loạt tác phẩm tiêu biểu, song thực tế, dòng phim này chỉ thực sự bùng nổ vào khoảng ba năm sau khi Mỹ rút quân về nước cho đến trước năm 1993, thời điểm nỗi đau chiến tranh đã nguôi ngoai với những bước tiến ngoại giao và chính trị, còn các phim làm trong thời kỳ cuộc chiến đang diễn ra lại gần như không được quan tâm mấy.

Năm 1978, The Deer Hunter của đạo diễn Micheal Cimino đã biến thành tâm điểm của dư luận vì bị cho rằng, bộ phim “là một sự dối trá và phân biệt chủng tộc”. Ngay cả báo chí Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích gay gắt bộ phim. Tờ New York Times bình luận: “Để tưởng nhớ đến những người Mỹ đã bỏ mạng ở Việt Nam, thì The Deer Hunter là sự biện hộ đầy sỉ nhục!”. Căng thẳng càng dâng cao hơn khi The Deer Hunter được đề cử đến 9 giải Oscar trong năm đấy. Vào đêm 9.4.1979, đám đông những người biểu tình, hầu hết là cựu binh phản chiến đã bao kín cửa vào hội trường Dorothy Chandler Pavillion. Mặc kệ sự phẫn nộ của đại đa số người Mỹ, The Deer Hunter rốt cuộc cũng đã thắng 5 giải của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh nước này.
Cũng năm 1979, “bố già” điện ảnh Francis Ford Coppola đã cho ra đời tác phẩm gây chấn động Apocalypse Now, tác phẩm được coi là kinh điển của dòng phim chiến tranh Việt Nam. Apocalypse Now tựa một vết thương còn tươi nguyên trong lòng lính Mỹ, qua nhiều năm, vết thương kia vẫn chưa kịp kéo da non cho dù thuốc súng đã dần nguội lạnh. Câu chuyện xoay quanh hành trình đi tìm giết một sĩ quan cao cấp bỏ trốn quân ngũ của đại úy Benjamin L.Willard vào năm 1968, năm xảy ra cuộc thảm sát Mỹ Lai. Trên hành trình ấy, Benjamin đã chứng kiến biết bao tội ác chiến tranh, làng mạc hoang tàn, xác người chồng chất… bên cạnh đó là một bộ phận thanh niên nước Mỹ đang tiêu tốn năm tháng thanh xuân của họ vô cuộc chiến phi nghĩa, thay vì được sống lẫn được yêu thì tại nơi đây, họ giải trí bằng cuốn tạp chí khiêu dâm và có thể nằm xuống bất cứ lúc nào.
 Hollywood với Việt Nam 2
Cảnh trong phim Platoon
“Có bao nhiêu người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã ngước mặt lên trời thầm hỏi: “I want to know, have you ever seen the rain”?* Và ở nơi nước Mỹ phồn thịnh kia, có bao nhiêu thanh niên gọi nhau về vùng San Francisco nắng ấm?”
 Apocalypse Now được xem là một tác phẩm đầy chất sử thi về thân phận con người trong chiến tranh, tuy nhiên, bộ phim vẫn tránh né cái nhìn thẳng thắn vào thất bại của quân đội Mỹ hay nói cách khác là “mặc cảm Việt Nam” khiến Mỹ chìm vào cơn khủng hoảng xã hội, điều này được thấy rõ trong tác phẩm Forrest Gump (1994) do Tom Hank thủ vai chính. Nếu ở Việt Nam là cuộc chiến bom đạn tàn khốc thì ngay giữa lòng nước Mỹ, cuộc nội chiến lý tưởng cũng tàn khốc không kém đã hủy diệt tuổi trẻ của biết bao con người. Cả một thế hệ thanh niên Mỹ chia rẽ và dằn vặt. Phong trào hippi xuất hiện tưởng chừng như đủ sức củng cố niềm tin vào các giá trị tình yêu và hòa bình. Họ chiến đấu cho tự do, nhưng thực chất, bản thân họ lại bị giam cầm bởi những hoang mang thời đại để rồi cuối cùng, họ đánh mất chính mình trong ma túy và rượu mạnh.
Mãi đến năm 1986, khi Platoon của đạo diễn Oliver Stone ra mắt, người Mỹ mới thật sự dám đối mặt với thất bại của mình. Platoon cho người ta thấy bản chất tàn bạo và giả dối của chiến tranh. Câu chuyện được kể thông qua Chris Taylor, một binh nhì dào dạt lý tưởng vừa mới tham chiến. Sau khoảng thời gian trung đội anh đóng quân tại biên giới Việt Nam – Campuchia, Chris đã nhận ra rằng, chiến tranh là phát minh ghê tởm nhất của loài người. Đáng sợ hơn tất cả chính là những tay súng khát máu sẵn sàng giết luôn đồng đội, một thứ sản phẩm được sinh ra từ chiến tranh, chỉ từ chiến tranh. Bị ném vào cuộc chiến phi lý và trải qua vô số lần cận kề cái chết, không ít lính Mỹ đã biến thành cỗ máy giết người vô cảm như nhân vật Barnes trong Platoon.
Điều gì đã khiến họ trở nên như thế? Chẳng có gì là ngẫu nhiên cả, đầu tiên phải kể đến ba tháng quân trường như trong phần mở đầu Full Metal Jacket, toàn cảnh về môi trường khắc nghiệt đào tạo thủy quân lục chiến của quân đội Mỹ. Áp lực và sợ hãi đã khiến Pyle từ một thanh niên vụng về có phần ngốc ngếch thành một kẻ máu lạnh. Những dấu hiệu tâm thần từ Pyle ngày càng rõ ràng hơn như việc anh trò chuyện với khẩu súng trường của mình. Kết thúc khóa huấn luyện, Pyle bắn thẳng vào tim kẻ dạy cậu ta cách giết người, rồi đút súng vào miệng bắn tung óc mình. Bộ phim Full Metal Jacket của đại đạo diễn Stanley Kubrick được đánh giá là trung thực nhất về chiến tranh Việt Nam. Chắc hẳn không ít những thanh niên như Pyle đã bị hủy hoại đi vì cuộc chiến, đôi khi, sự hủy hoại vượt tầm hơi thở. Sống giữa bùn và máu lâu ngày dễ khiến người ta trở thành bóng ma nhợt nhạt như đại tá Kurtz trong Apocalypse Now, phần nhân tính của họ dần dà bị thui chột đi. Mà nếu may mắn sống sót trở về, liệu họ có thoát khỏi tâm lý cựu chiến binh? Taxi Drive của đạo diễn Martin Scorsese làm năm 1972 đã nhắc tới vấn đề này. So với việc mất mạng ở một cuộc chiến khốc liệt như trong  Full Metal Jacket thì việc sống cuộc đời ám ảnh cũng là điều bất hạnh không kém.
Một điểm chung của hầu hết tất cả các phim chiến tranh Việt Nam, đó chính là hình ảnh những cơn mưa rào tưới xuống cánh rừng nhiệt đới. Ẩm ướt và bứt rứt, những cơn mưa hay nỗi khiếp sợ của lính Mỹ. Có bao nhiêu người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã ngước mặt lên trời thầm hỏi: “I want to know, have you ever seen the rain”?* Và ở nơi nước Mỹ phồn thịnh kia, có bao nhiêu thanh niên gọi nhau về vùng San Francisco nắng ấm?  Nhiều năm trôi qua, người Mỹ đã dám nhìn lại chân dung chính họ trong một cuộc chiến nổi tiếng của thế kỷ 20, có lẽ vì thế mà họ đã làm được những bộ phim về chiến tranh Việt Nam rất tuyệt, dù rằng chẳng biết mỗi lần xem lại những thước phim ấy, những cơn mưa rừng nhiệt đới có còn ướt sũng cõi lòng họ hay không.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)