Về cơ bản, vấn đề nhân sự chủ chốt cho BCH Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) nhiệm kỳ 5 (dự kiến từ năm 2008-2012) đã ngã ngũ. Chủ tịch VFV sẽ là ông Lê Minh Hồng (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
BCH nhiệm kỳ mới liệu có giúp bóng chuyền Việt Nam vươn lên tầm cao mới? |
Ba Phó chủ tịch là các ông: Nguyễn Khắc Sơn (Giám đốc Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại), Nguyễn Phúc Long (Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Văn hóa Thông tin Thăng Long), Nguyễn Hoàng Long (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar). Đây là bộ máy điều hành hoàn toàn mới (nếu được bầu) của VFV.
Trong khi đó, chức vụ Tổng thư ký đang được đề cử là ông Trần Đức Phấn (Trưởng bộ môn bóng chuyền Việt Nam). Còn 2 gương mặt nữa cũng được đưa vào danh sách đề cử là các ông Trần Văn Thư, Nguyễn Thành Lâm. Đây là hai nhà chuyên môn có uy tín hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, cái khó của ông Lâm là việc đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm HLTTQG TPHCM, nên không thể ra làm việc tại Hà Nội. Vậy nên, rất nhiều người bàn rằng, “ghế nóng TTK” nên giao cho một trong hai ông Trần Văn Thư hoặc Trần Đức Phấn là hợp lý nhất.
Rất nhiều người trông chờ sự chuyển biến tích cực từ trong và sau đại hội lần này. Trước hết, đấy là chuyện VFV sẽ không còn cảnh “chỉ ông TTK làm việc, còn những người khác… ngồi chơi xơi nước!”. Thứ nữa, là chuyện vận động tài trợ, nâng tầm chất lượng tổ chức các giải đấu trong nước và quốc tế theo cách chuyên nghiệp hơn.
Thống nhất lại cách thức ban hành điều lệ giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc thường niên là điều nữa nên được thay đổi, để không còn tồn tại chuyện VFV đã ưu ái cho một đội bóng mà thay đổi cả bản điều lệ, khiến hầu hết các đội bóng phản ứng gay gắt.
Bóng chuyền Việt Nam quả thực đã tiến bộ nhiều so với chính mình vài năm trước. Nhưng dấu ấn của nội lực không lớn, hoặc nếu có chỉ thấy ở số ít các địa phương, ngành chú tâm đầu tư thực sự cho bóng chuyền.
Khi làn sóng các cầu thủ ngoại từ Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Bungaria… đến Việt Nam ngày càng nhiều, giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc cũng nhờ vậy mà sôi động và chuyên nghiệp hơn. Thế nhưng từ đó cũng lộ ra một thực tế đáng buồn: công tác đào tạo VĐV của bóng chuyền Việt Nam yếu và thiếu trầm trọng.
VFV có thực sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực hay không thì lúc này, người ta đành phải chờ. Chờ ở một cuộc cải tổ, chờ những con người mới với cách làm mới, nhiệt huyết và giỏi giang hơn sẽ thúc đẩy môn thể thao tập thể này tiến gần đến với các sân chơi châu Á, thế giới, thay vì chỉ quẩn quanh với “ao làng” Đông Nam Á như hiện nay.
VIỆT HÙNG (theo SGGP)
Bình luận (0)