Bắt đầu từ hôm nay, 1.7, Thông tư số 13/2011/TT-NHNN quy định các Tập đoàn Nhà nước, các Tổng công ty Nhà nước phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực
Theo thông tư này, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50% theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và không phải là TCTD, phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho TCTD được phép theo quy định.
Nguồn ngoại tệ phải bán cho các TCTD gồm ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi, ngoại tệ có kỳ hạn và không kỳ hạn của các Tập đoàn, Tổng Cty gửi tại TCTD tại thời điểm tính từ ngày 1.7. Đồng thời, phải bán cả ngoại tệ thu được từ nguồn thu ngoại tệ hợp pháp (trừ các nguồn thu từ giao dịch vốn) của Tập đoàn, Tổng Cty nhà nước phát sinh kể từ ngày 1.7.
Từ ngày hôm nay, các Tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước bắt đầu phải bán ngoại tệ cho ngân hàng (ảnh: internet)
Các Tập đoàn, Tổng Cty cũng có quyền mua số ngoại tệ còn thiếu từ TCTD trên cơ sở xuất trình tài liệu, chứng tờ hợp lệ. Việc các Tập đoàn, Tổng Cty bán ngoại tệ cho các ngân hàng được cho rằng sẽ giúp thị trường ngoại tệ ổn định hơn.
Tính đến hết tháng 3.2011, qua báo cáo từ 78 tổ chức, Tập đoàn, Tổng Cty thì tổng số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức này là 1,61 tỷ USD. Trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn là 376 triệu USD.
Cuối năm 2010, khi bắt đầu thực hiện chủ trương các Tập đoàn, Tổng Cty phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, các ngân hàng đã gặp không ít khó khăn khi các doanh nghiệp không chịu hợp tác, đồng thời tìm mọi cách để chứng minh nhu cầu sử dụng để giữ lại càng nhiều USD càng tốt. Đầu năm nay, khi Chính phủ tiếp tục siết chặt quản lý đối với ngoại hối thì việc này lại tiếp tục được nhắc lại và yêu cầu phải được chỉ đạo sát sao để thực hiện nghiêm túc hơn.
Ngọc Tuyên / Lao Động
Bình luận (0)