Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Hôm nay hết hạn đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần “cân não” bấm nút

Tạp Chí Giáo Dục

17h hôm nay, 16/5, là hạn cuối cùng thí sinh đăng ký nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến, cũng là kết thúc đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm 2021.

Theo các chuyên gia, thời hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh đã “áp chót”, là thời điểm quan trọng để thí sinh “cân đong, đo đếm” và đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề, trường học.

TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính khuyên thí sinh cần nghiên cứu kỹ các ngành, trường mà mình dự định đăng ký để chọn được trường học tốt nhất, phù hợp với sở trường, tính cách và hoàn cảnh gia đình. Với những trường nói hay, quảng cáo rầm rộ nhưng mập mờ thông tin, thí sinh nên đặt câu hỏi, tìm hiểu sâu hơn.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho hay để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần lựa chọn tổ hợp môn thi sao cho phù hợp khi xét tuyển, đăng ký các nguyện vọng hợp lý. Việc đăng ký lựa chọn ngành học, trường học, trước hết cần dựa vào tính cách, sở thích của cá nhân và xu thế của thị trường lao động. Vì thế, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần nắm rõ năng lực, sở thích của mình, đồng thời tìm hiểu xu thế của thị trường lao động.

Cũng theo ThS. Nguyễn Thị Thu Hường, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Bởi phần mềm xét tuyển chạy theo thuật toán “lọt sàng xuống nia” và lọc ảo theo điểm. Năm trước, nhiều thí sinh đăng ký ngành học, trường học dễ trúng tuyển lên trên, những trường khó xuống dưới. Đây là sai lầm cần tránh, bởi khi xét tuyển nếu trúng tuyển vào ngành nào sẽ không được tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng sau. Vì vậy, không ít thí sinh tiếc nuối do không trúng tuyển vào ngành học, trường học mà mình mong muốn, cho dù đủ điểm đỗ. ThS. Nguyễn Thu Hường nhắn nhủ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh nên sắp xếp thứ tự ưu tiênnhững ngành khó, trường khó lên trên, trường nào dễ xuống dưới.

Số nguyện vọng đăng ký gấp gần 7 lần chỉ tiêu

Các chuyên gia khẳng định khi lựa chọn ngành nghề, thí sinh cần dựa theo một số nguyên tắc mục tiêu việc làm sau này là gì; ngành, trường, điều kiện tuyển sinh, học phí ra sao; năng lực bản thân, ví dụ như thích, sức học, tài chính của gia đình; chọn phương thức tuyển sinh phù hợp và cải thiện sức học. Thí sinh không nên đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo kiểu “đại khái”, làm cho xong, để chờ đến khi có điểm thi tốt nghiệp THPT mới điều chỉnh nguyện vọng. Hiện có khoảng 230 tổ hợp xét tuyển, nhưng thí sinh thường chú ý tới các tổ hợp truyền thống, trong khi có 150 tổ hợp mới xuất hiện. Vì thế, thí sinh nên dựa theo các nguyên tắc trên để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Chia sẻ trước đó tại ngày hội tuyển sinh, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục & Đào tạo lưu ý, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường nào, cần xem trên trang web của trường đó để đọc kỹ thông tin về phương thức xét tuyển, điều kiện khi đăng ký xét tuyển. Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, bằng hình thức trực tuyến. Như vậy, thí sinh hoàn toàn chủ động trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng xét tuyển của mình. Tuy nhiên, cần chú tâm đến mã ngành, trường để tránh sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình trong quá trình xét tuyển.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết ngày 14/5, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm ngành Giáo dục mầm non trên hệ thống là hơn 3,7 triệu.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm nay là trên 545 nghìn. Như vậy, tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu là 682,05%, nghĩa là số nguyện vọng đăng ký gấp 6,8 lần chỉ tiêu.

Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến phải thực hiện đầy đủ các bước, không bỏ qua hoặc dừng lại khi chưa thực hiện xong bước cuối cùng.

Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng và cũng không nên xét tuyển cùng lúc nhiều nhóm ngành khác nhau: từ kinh tế, kỹ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn…, mà nên xác định chính xác năng lực, sở thích của bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất.

Theo Nghiêm Huê/ TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)