Sự kiện giáo dụcTin tức

Hôm nay, “ngày đặc biệt” cho nạn nhân chất độc da cam

Tạp Chí Giáo Dục

* TP.HCM: 10.000 người đi bộ ủng hộ các nạn nhân

Hôm nay 10-8, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam VN, VTV4 Đài truyền hình VN sẽ dành nguyên 24 giờ trong ngày cho các hoạt động ủng hộ nạn nhân. Theo ông Bạch Ngọc Chiến – trưởng ban truyền hình đối ngoại VTV4, hiện kênh truyền hình này đã tham gia hệ thống truyền hình công cộng tại một số khu vực ở Mỹ, về lý thuyết có 3 triệu gia đình người Mỹ xem được VTV4.
Với 24 giờ trong ngày 10-8, VTV4 sẽ dành chiếu các bộ phim do các nhà làm phim trong và ngoài nước thực hiện về nạn nhân chất độc da cam, các phóng sự về đời sống và nỗ lực vươn lên của họ.
Nguyễn Đức (nạn nhân chất độc da cam) cùng mọi người tham gia cuộc đi bộ sáng 9-8 – Ảnh: THANH ĐẠM
Theo ông Trần Xuân Thu – phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam VN, trong năm năm qua các cá nhân, tổ chức hảo tâm trong và ngoài nước đã hỗ trợ cho nạn nhân thông qua hội 86 tỉ đồng, 15% trong số này đến từ các nhà hảo tâm nước ngoài. Tuy nhiên Ngày vì nạn nhân chất độc da cam VN năm nay, Đài truyền hình VN, Hội Nạn nhân chất độc da cam VN dự định huy động 60 tỉ đồng để xây dựng 55 nhà bán trú cho nạn nhân, 550 nhà tình nghĩa, tạo 1.100 việc làm và cấp 1.100 học bổng cho con em nạn nhân chất độc da cam. Riêng trong cuộc giao lưu “Công lý và trái tim” tổ chức hôm 8-8, đã có trên 8 tỉ đồng được trao cho Hội Nạn nhân chất độc da cam VN.
Dịp này, Hội Chữ thập đỏ VN cũng phát động “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam VN”, bắt đầu từ 10-8 đến 10-9. Trọng tâm của tháng hành động là hoạt động mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ của nạn nhân để hỗ trợ họ vươn lên thoát nghèo.
* Sáng 9-8, gần 10.000 người dân TP.HCM cùng một số bạn trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam đã tham gia đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo lần 3, do Hội Chữ thập đỏ TP.HCM phối hợp Đài truyền hình VN, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM và Công ty cổ phần Phát triển truyền thông VN tổ chức. Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Huỳnh Thị Nhân, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đã có mặt tại cuộc đi bộ này. Cuộc đi bộ đã vận động được trên 3,6 tỉ đồng từ các đơn vị, cá nhân cho Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (Hội Chữ thập đỏ TP.HCM).
Đây cũng là ngày cao điểm diễn ra các hoạt động của tuần lễ “Vì nạn nhân chất độc da cam” (từ 2 đến 9-8) do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên. Trong khuôn khổ tuần lễ  này, nhiều người dân và các bạn trẻ TP đã đến xem triển lãm ảnh “Cuộc đời tươi đẹp của tôi đâu?” với nhiều hình ảnh sống động về các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; chương trình “Cùng xếp sao, trao điều lành” với toàn bộ số tiền thu được từ việc xếp sao (500 đồng/sao) do Công ty Toyota Biên Hòa (Đồng Nai) mua để ủng hộ vào Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam (Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM); viết bài cảm nhận “Nỗi đau da cam” chia sẻ với những số phận kém may mắn.
Tối nay (10-8), chương trình ca nhạc “Tích hạt yêu thương” (HTV9 truyền hình trực tiếp từ 20g30) được diễn ra tại Nhà hát TP.HCM. Dự kiến sẽ có đấu giá bức tranh đặc biệt, công bố số tiền thu được từ chương trình “Cùng xếp sao, trao điều lành” và các khoản đóng góp khác để tặng nhà tình thương, học bổng và trợ vốn cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam tại TP.
LAN ANH – Q.LINH
………………………….
Lặng lẽ những tấm lòng…
Trong những ngày diễn ra các hoạt động của tuần lễ kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) tại TP.HCM, có rất nhiều người từ khắp nơi trong và ngoài nước cùng tụ về đây để chung tay góp sức cho nạn nhân CĐDC như họ đã từng làm trong suốt những năm qua…
Bác sĩ Phương Tần và bé Minh Bằng (4 tuổi, bìa trái) cho em Minh Hòa (1 tuổi) uống sữa – Ảnh: My Lăng
Về VN trong những ngày này, chuyên gia kinh tế kiêm nhạc sĩ Hồ Hải Quang, người sáng lập Hội âm nhạc Orange DiHoxyn (Pháp), mang theo 6.000 euro (khoảng 150 triệu đồng VN) quyên góp để gửi tặng nạn nhân CĐDC.
“Anh hùng guitar chống CĐDC”
Ông Quang từng là nhạc sĩ, ca sĩ hát rock ‘n’ roll của Mỹ. “Tôi rất tiếc khi phải dừng lại. Làm sao tôi có thể hát nhạc của Mỹ khi người Mỹ đang giội bom xuống những người dân VN vô tội!” – ông nói. Đó là năm 1963. Ông đang học ngành kinh tế tại Paris. Ông Quang đã cùng với nhạc sĩ Stevie Wonder, Pierre Perret, Franc Alamo trình diễn trong đêm ca nhạc chống chiến tranh VN tại Nhà hát L’Olympia ở Paris năm 1963.
Năm 1990, ông sang sống tại đảo Réunion và dạy tại Đại học Réunion. Nhật báo Le Quotidien de la Réunion (Pháp) từng có bài viết về ông Hồ Hải Quang với tựa đề: “Anh hùng guitar chống CĐDC”. “Năm năm trước, tôi đọc báo mới biết được hậu quả khủng khiếp của CĐDC và những đau đớn mà nạn nhân CĐDC VN phải gánh chịu. Từ lúc đó, tôi bắt đầu tìm hiểu và nghĩ mình phải làm điều gì đấy cho người VN, cho những nạn nhân CĐDC. Dòng máu trong người tôi là của người VN và VN cũng là nơi tôi sinh ra” – ông giải thích thật ngắn gọn.
Ông gây quỹ bằng nhiều cách. Ông kể: “Tôi lên mạng tìm và chọn những hình ảnh về nạn nhân CĐDC VN rồi đưa cho bạn bè xem. Tôi tổ chức những buổi hòa nhạc từ thiện, những buổi diễn thuyết về hậu quả của CĐDC… để gây quỹ. Tôi viết nhiều bài báo và lên cả truyền hình để nói về những nạn nhân và hậu quả của CĐDC ở VN. Khi về VN, tôi quay những đoạn phim ngắn ghi lại hình ảnh của những trẻ em bị nhiễm CĐDC ở các trung tâm mồ côi, khuyết tật… rồi đưa cho bạn bè, các doanh nghiệp ở đảo Réunion xem để vận động, quyên góp”.
Năm 2008, ông Quang sáng lập Hội âm nhạc Orange DiHoxyn. Đây là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc nhằm thu hút những người quan tâm tới hậu quả của CĐDC và giúp đỡ các nạn nhân tại VN. Trong đó có những nhạc sĩ chuyên nghiệp như Patrick Sida, Meddy Gerville… Ban lãnh đạo Orange DiHoxyn do ông làm chủ tịch và ông Claude Vĩnh San (con trai của vua Duy Tân) làm phó chủ tịch.
Tháng 1-2009 vừa qua, ông trở lại VN gặp người chị cùng cha khác mẹ là bà Đặng Hồng Nhựt cũng là người bị nhiễm CĐDC. Bà Nhựt hiện làm chánh văn phòng Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.HCM. “Năm 1960, ở Pháp, khi đang là sinh viên, tôi tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ nhân dân VN. Còn ở VN, chị gái tôi lại tham gia kháng chiến. Khi VN hòa bình, tôi làm công tác tình nguyện cho nạn nhân CĐDC nhưng lại không biết chị mình cũng bị nhiễm CĐDC. Và chính bản thân chị tôi cũng hoạt động tích cực cho nạn nhân CĐDC. Dù cách nhau nửa vòng trái đất nhưng hai chị em lại có chung chí hướng” – ông Quang nói.
Ông Hồ Hải Quang trình diễn với cây đàn do ông tự tay làm từ một hộp bánh – Ảnh: Đình Dân
Hết lòng vì nạn nhân
Các nhân viên của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.HCM thường kể với nhau về tấm lòng của giáo sư Huỳnh Thế Cuộc – chủ tịch hội, hiệu trưởng Trường ĐH Huflit – dành cho nạn nhân CĐDC. “Năm nay bác đã 78 tuổi nhưng vẫn rất nặng lòng với các nạn nhân. Bất cứ người bệnh cần gì là bác gắng sức lo cho chu toàn. Nhiều lần bác bỏ tiền túi ra cho các cháu đi học…” – chị Phạm Thị Nhí, nhân viên hội, kể.
Cách đây ít lâu, khi chị Nguyễn Thị Hồng – một người bị nhiễm CĐDC ở Biên Hòa – mất, dù đang đi khập khiễng do bị gãy chân nhưng giáo sư Cuộc vẫn xuống tận nhà viếng. Trong đám tang đó, nhiều người thấy ông đã khóc…
Cũng như giáo sư Cuộc, nhiều năm qua bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, phó chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.HCM, cùng các đồng nghiệp đã đi xin từng dụng cụ vật lý trị liệu phục hồi chức năng để điều trị cho trẻ bị nhiễm CĐDC. Công tác ở Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, chị luôn tranh thủ nhờ những đoàn bác sĩ nước ngoài qua làm việc tại bệnh viện để gửi gắm chữa bệnh cho những cháu bị nhiễm. Chị lên mạng tìm thông tin xem những căn bệnh đó ở nước nào chữa tốt nhất, rồi khi có đoàn bác sĩ qua là tiếp cận ngay. Nhiều trường hợp đã được bác sĩ liên hệ với một số bệnh viện tại VN chữa miễn phí. Đến nay, đã có 30 trường hợp được đưa ra nước ngoài chữa trị.
Nhận thấy bé nào có khả năng tiếp thu được, bác sĩ Phương Tần đều bắt phải đi học. Chị tới từng trường học liên hệ xin cho các cháu được vào học. “Tôi đi chọn trường cho các cháu như chọn trường cho con mình vậy. Thấy ban giám hiệu, thầy cô trường nào có tâm, nhiệt tình mới dám gửi các cháu vào” – chị Tần kể. Hiện đã có 40% các em tại làng Hòa Bình được đi học.
Chị Tần cũng là người khởi xướng chương trình đi khám chữa bệnh cho nạn nhân CĐDC ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.  “Dù rất mệt, vất vả nhưng lúc nào tôi cũng muốn đi. Tôi ước gì mình có thêm thật nhiều thời gian để chữa bệnh cho những người bất hạnh. Những việc tôi đã làm quá nhỏ so với nỗi đau của họ” – bác sĩ Phương Tần bảo vậy.
MY LĂNG
Cộng đồng chung tay
Sáng chủ nhật 9-8, gần 10.000 người có mặt trong cuộc đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và người khuyết tật nghèo hướng tới Ngày vì nạn nhân CĐDC 10-8 do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.HCM tổ chức.
Lê Thị Thanh Xuân (bìa trái) và các bạn đã xếp được gần 1.500 ngôi sao trong chương trình “Cùng xếp sao, trao điều lành” – Ảnh: QUỐC LINH
Từ sáng tinh mơ, đoạn đường Lê Duẩn ngay trước dinh Thống Nhất đã rợp một màu áo trắng. Nhiều thành phần, đủ mọi lứa tuổi cùng tìm đến cuộc đi bộ này chỉ vì muốn làm một điều gì đó cho những số phận kém may mắn bởi di chứng của CĐDC/dioxin.
Nữ nhân chứng đến vào giờ chót tại phiên tòa công luận quốc tế vì nạn nhân CĐDC VN vừa tổ chức tại Pháp giữa tháng 5 vừa qua Trần Tố Nga cho biết bà đang cùng nhiều bạn bè, tình nguyện viên khác thu thập một triệu chữ ký để gửi lên Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đòi công lý, bình đẳng cho nạn nhân CĐDC VN. “Mỗi chữ ký của bạn dù là nhỏ thôi nhưng sẽ được góp lại, tạo thành sức mạnh của cả dân tộc tiếp sức cho những nỗi đau da cam đang được đấu tranh để đòi lại lẽ công bằng” – bà Nga nói.
Tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM những ngày qua, nhiều bạn trẻ đã đến góp sức mình bằng việc xếp những ngôi sao trong chương trình “Cùng xếp sao, trao điều lành”. Nhóm bạn Lê Thị Thanh Xuân, Bùi Hồng Diễm, Bùi Ngọc Minh Yên (Q.10) đã xin ban tổ chức cho nhận giấy về nhà để “rảnh khi nào xếp lúc đó”. Kết quả là sau hai ngày, ba cô bạn này đã xếp được gần 1.500 ngôi sao.
Thanh Xuân chia sẻ: “Làm điều thiện thì ai cũng có thể góp sức mình, miễn là họ có tấm lòng”. Theo ban tổ chức, Công ty Toyota Biên Hòa (Đồng Nai) sẽ mua lại tất cả các ngôi sao xếp được suốt tuần qua với giá 500 đồng/sao nhằm ủng hộ quỹ của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.HCM.
Nhiều dòng cảm xúc được ghi lại khi nhiều người tận mắt xem những hình ảnh không thể diễn tả hết bằng lời trong triển lãm ảnh “Cuộc đời tươi đẹp của tôi đâu?” tại Nhà văn hóa Thanh niên. “Người ta thường nói thời gian và nước có thể xoa dịu mọi vết thương. Nhưng với những nạn nhân CĐDC/dioxin không riêng ở VN mà cả thế giới, nỗi đau – vết thương đó còn hơn là nỗi đau về thể xác. Bình an nhé và hi vọng nhé. Một trái tim và nhiều trái tim nữa sẽ cùng nhau xoa dịu những vết thương” – bạn Xuân Đạt (Q.3) cảm nhận.
Be Nhoc (muabuonbl87@…) viết: “Trước đây tôi chỉ được biết đến các em – những nạn nhân CĐDC – qua tivi, báo đài. Giờ đây, như một phép nhiệm mầu đưa tôi đến bên các em, cùng các em học, cùng các em chơi tôi càng thấy thương các em vô tận…”.
Một người Nhật rất thân thiết với VN, nhiếp ảnh gia – nhà báo tự do Yasufumi Murayama, người đã có nhiều năm săn tìm rất nhiều hình ảnh về các nạn nhân CĐDC VN, ghi lại cảm xúc của mình: “Ảnh hưởng của CĐDC quá lớn, nỗi đau sẽ càng lớn hơn đối với những nạn nhân mà tôi biết được. Đó là nỗi đau không thể nào diễn tả được. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người chúng ta cùng đồng lòng cầu chúc họ vượt qua nỗi đau này…”.
QUỐC LINH
(Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)