Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hôm trước bơm thuốc, hôm sau hái bán

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều hộ trồng rau tại phố núi Pleiku đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan, không theo hướng dẫn sử dụng và không đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch. 

Công an Gia Lai kiểm tra, xử phạt cơ sở nhúng sầu riêng bằng hóa chất ở Pleiku Ảnh: HỮU PHÚC

Công an Gia Lai kiểm tra, xử phạt cơ sở nhúng sầu riêng bằng hóa chất ở Pleiku Ảnh: HỮU PHÚC

Bên cạnh đó, không ít hộ còn dùng hóa chất không rõ nguồn gốc, dùng chất cấm để ép chín, bảo quản trái cây và một số loại thực phẩm khác…
“Bí kíp” trồng rau thu hoạch nhanh
Đến xã An Phú (TP Pleiku), một trong những vựa rau lớn của tỉnh Gia Lai, chúng tôi được một số nông dân chia sẻ “bí kíp” trồng rau. Vừa chăm sóc vườn ngò 800m2 gieo được 4 ngày, ông Ph. nói: “Bữa nay làm gì (trồng rau quả – PV) cũng thuốc hết. Như vườn ngò này, dự tính từ lúc trồng đến thu hoạch (khoảng 1 tháng) sẽ bơm từ 2-3 lần thuốc. Vườn đậu cô ve 1.200m2 trồng được 10 ngày, hiện đã bơm thuốc sâu 1 lần, ước tính cho đến hết vụ sẽ ngốn từ 500.000 – 700.000 đồng tiền mua thuốc sâu, thuốc bệnh, thuốc kích thích. Còn vườn mồng tơi 1.200m2 trồng được 2 tháng, đang thu hoạch, hiện đã bơm 5 lần, lúc cắt nhánh xong thì bơm thuốc kích thích để ra nhánh khác. Nếu không bơm thuốc, rau quả sẽ bị hư. Còn bơm mà cách ly 2-3 ngày thì quả lớn không bán được, nên chỉ cách ly 1 hôm thôi”.
Cạnh vườn ngò của ông Ph. là vườn khổ qua rộng 2.000m2, trồng 2 tháng nay và đang cho thu hoạch của gia đình ông Tr. (xã An Phú). Ông Tr. cho biết, khổ qua vừa bơm thuốc hôm qua để trị nấm, sâu và dưỡng trái.  Hôm nay cách ly, mai hái bán. Theo ông Tr., khổ qua “ăn thuốc” rất dữ. Vườn của ông đã bơm 8 lần với tổng khoảng 3,2 triệu đồng tiền thuốc, trong đó có 2 loại là Topan và Insuran nhưng bao bì lại không ghi sử dụng cho khổ qua. Cụ thể, Topan là thuốc trừ nấm bệnh, có công dụng phòng trừ bệnh vàng lá hại lúa; thối trái trên nhãn; bệnh đốm lá trên dưa hấu, đậu phụng, dưa leo; phấn trắng trên nho; thời gian cách ly từ 5-14 ngày. Insuran là thuốc trị bệnh nội hấp, có công dụng phòng trừ các bệnh chết nhanh hại tiêu; mốc sương hại cà chua; giả sương mai hại dưa chuột; sọc lá hại bắp và bệnh phấn trắng hại nho; thời gian cách ly từ 5-7 ngày. 
Nhưng theo như ông Tr. cho biết, hôm trước bơm thuốc, hôm sau hái bán!
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Gia Lai, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã lấy mẫu để giám sát dư lượng hóa chất trên nông sản, thực phẩm; kết quả, năm 2016 các mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật rơi vào các loại dưa leo, mướp đắng (khổ qua), rau muống, rau cải. Đối với măng, đợt 1 phát hiện 4/8 mẫu măng tươi có chất Auramin O (còn gọi là vàng O, không được sử dụng trong chế biến thực phẩm). Năm 2017, kiểm tra với giò chả, có 17/32 mẫu phát hiện hàn the (hóa chất không nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm). Tháng 9 và 10 vừa qua, Công an Gia Lai cũng đã xử phạt cơ sở của ông Nguyễn Đức Trọng ở TP Pleiku 20 triệu đồng với hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc làm chín sầu riêng; phát hiện 2 cơ sở sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để hấp cá… 
Tăng cường giám sát
Ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Gia Lai, cho biết để ngăn chặn sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất vi phạm an toàn thực phẩm, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật chuyên ngành về thanh tra, kiểm tra. Nhưng việc quản lý các hộ gia đình sản xuất rau củ quả rất khó và nan giải. Lý do là số hộ lên đến hàng ngàn, quy mô sản xuất nhỏ, khó thống kê, kiểm soát hết được. Đối với các mẫu măng phát hiện chất vàng O trong các đợt kiểm tra, ngành chức năng gửi kết quả tới các địa phương để truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý. Với giò chả phát hiện hàn the, đơn vị thông báo tới địa phương cơ sở vi phạm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân và thực hiện khắc phục. 
Theo Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, để ngăn chặn sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, chất cấm trong sản xuất thực phẩm, cần nâng cao nhận thức cho người sản xuất để họ hiểu tác hại của việc sử dụng hóa chất tràn lan đối với sức khỏe cộng đồng. Cùng với đó là tăng cường giám sát và phạt nặng những trường hợp vi phạm. Cán bộ được giao làm nhiệm vụ thanh tra phải công tâm, có trách nhiệm, nghiêm minh, không vì lợi ích mà phạt qua loa, phạt cho có, hay thậm chí lơ đi sai phạm…

HỮU PHÚ/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)