Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam thông tin, kết thúc thời gian tuyển bổ sung lớp 10, tại hơn 100 trường THPT toàn thành phố nhận được 1.014 hồ sơ tuyển bổ sung. Đa phần các trường không nhận đủ số chỉ tiêu lớp 10 còn thiếu, nhất là các trường khu vực vùng ven, ngoại thành.
Trong đó, tại các trường THPT ở vùng ven, ngoại thành thiếu nhiều chỉ tiêu thì số lượng hồ sơ đăng ký tuyển bổ sung nhận được dao động từ vài học sinh đến vài chục học sinh, tùy từng trường. Riêng những trường thiếu chỉ tiêu với số lượng lớn như THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh); THPT Nguyễn Văn Tăng (TP Thủ Đức); THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8); THPT Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); THPT Năng khiếu TDTT huyện Bình Chánh thì số chỉ tiêu nhận được dao động từ 33-82 hồ sơ.
Các trường vùng ven, ngoại thành nhận được số hồ sơ tuyển bổ sung như sau:
Cũng theo ông Lê Hoài Nam, tại các trường THPT ở khu vực trung tâm thì có nhiều trường tuyển được “suýt soát” chỉ tiêu lớp 10 còn thiếu song cũng có những trường chỉ tuyển được vài chỉ tiêu, dù điểm chuẩn không quá cao. Ví dụ như THPT Ten lơn man (quận 1); THPT Lương Thế Vinh (quận 1); THPT Trần Hữu Trang (quận 5)…
Tại các trường THPT ở khu vực trung tâm, số hồ sơ nhận được tuyển bổ sung như sau:
Các trường THPT nhận được số hồ sơ đăng ký tuyển bổ sung đủ, gần đủ so với số chỉ tiêu tuyển bổ sung:
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam đánh giá, các trường THPT ở khu vực ngoài thành do khoảng cách xa nên khó thu hút học sinh đăng ký tuyển bổ sung dù có điểm chuẩn không cao. Riêng các trường THPT khu vực trung tâm, ngoại trừ một số trường tuyển gần đủ chỉ tiêu bổ sung lớp 10, đa phần các trường có điểm chuẩn cao hầu hết đều không tuyển thêm được chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhiều trường có điểm chuẩn thấp, vừa phải từ 16-17,5 cũng tuyển không đủ chỉ tiêu.
“Trong tổng số hơn 20.300 học sinh rớt lớp 10 THPT công lập năm 2023 chỉ có 1.014 học sinh đăng ký tuyển bổ sung lớp 10. Điều này cho thấy đa phần học sinh đã có những hướng lựa chọn học tập phù hợp như THPT tư thục; Trung tâm GDNN-GDTX; hệ cao đẳng, trung cấp nghề”- ông Lê Hoài Nam nhận định.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, thực tế vẫn còn nhiều phụ huynh cho rằng học GDTX, học nghề là thấp kém, thiệt thòi… Đây là quan niệm chưa đúng, bởi hiện các Trung tâm GDTX ở TPHCM đã được đầu tư, cải thiện rất nhiều so với trước đây, cơ sở vật chất, phòng ốc hiện đại, khang trang; giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn như giáo viên trường THPT. Số môn học hệ GDTX ít hơn các trường THPT, khi thi tốt nghiệp THPT thi chung đề với hệ THPT với bằng tốt nghiệp có giá trị ngang nhau, cơ hội xét tuyển vào ĐH như nhau.
Đối với hệ trung cấp nghề, học sinh khi vào học sẽ chọn học nghề song song với việc học văn hóa hệ GDTX, khi tốt nghiệp vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT.
“Không có hệ đào tạo hay trường lớp nào ưu việt nhất mà cái chính là phụ huynh nên xem xét năng lực của con mình phù hợp với loại hình trường, lớp nào. Có học sinh học THPT rất trầy trật nhưng khi chuyển qua học nghề thì lại thành học viên giỏi…” – ông Lê Hoài Nam nhắn gửi phụ huynh.
Sẽ nghiên cứu điều chỉnh phương án thi tuyển sinh 10 trong năm tới
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết, Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu, tính toán điều chỉnh phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Trong đó, có thể cân nhắc việc học sinh được điều chỉnh nguyện vọng lớp 10 sau khi biết điểm thi tuyển sinh 10, đảm bảo các em đặt nguyện vọng phù hợp và sát nhất với năng lực của mình.
Yến Hoa
Chú thích ảnh: TP.HCM tuyển thêm được 1.014 học sinh trong kỳ tuyển bổ sung lớp 10 vừa qua
Bình luận (0)