Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hơn 1 triệu thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay, 26-6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2024 và chỉnh sửa sai sót (nếu có). Thống kê của Bộ GD-ĐT, lượng thí sinh năm nay tăng hơn 45.000 em.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

Trong tổng số thí sinh dự thi năm nay, có 46.978 thí sinh tự do (chiếm 4,3%). Toàn quốc có 2.323 điểm thi (tăng 51 điểm so với năm trước) với 45.149 phòng.

Kỳ thi quy mô lớn, áp lực cao

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Hoạt động coi thi sẽ diễn ra trong các ngày 27, 28 và 29-6; chấm thi từ ngày 29-6; công bố kết quả vào 8 giờ 00 ngày 17-7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19-7.

Trước thềm kỳ thi, vào ngày 20-6, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với ban chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng, diễn ra trên quy mô toàn quốc, ở các vùng miền khác nhau, số lượng học sinh và lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi lớn. Đơn cử như Sở GD-ĐT Hà Nội có khoảng 15.000 người tham gia tổ chức thi, riêng công tác chấm khoảng 600 người. “Mặc dù quy mô lớn nhưng thời gian diễn ra nhanh, tập trung coi thi trong 2 ngày, chấm thi trong vòng nửa tháng, áp lực công việc cao” – Thứ trưởng nói.


Ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) phát biểu

Thứ trưởng cho hay, qua báo cáo, đến nay các tỉnh, thành đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Công tác tổ chức, thực hiện của các tỉnh, thành phố được diễn ra từ sớm, từ xa và hết sức tích cực, được thể hiện qua 6 nội dung.

Một là các địa phương đã chủ động ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo bao gồm các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND. Có những tỉnh ban hành chỉ thị của UBND tỉnh rất sớm, từ ngày 3-5 như Vĩnh Phúc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của bộ. Hai là thành lập bộ máy chỉ đạo từ cấp tỉnh. Hầu hết các tỉnh đều có ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, thành phố thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với kỳ thi. Ba là kịp thời phân công trách nhiệm, tiến hành công tác thanh tra – kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra với tinh thần rà soát, tháo gỡ, chủ động trong công việc. Bốn là UBND các tỉnh, thành phố rất chủ động tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường hệ thống điện, nước, ánh sáng…

Năm là chủ động trong công tác chuyên môn nghiệp vụ. Sau cuộc họp với Bộ GD-ĐT, các tỉnh thành đã chủ động tổ chức triển khai tập huấn với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia coi thi, chấm thi đều phải được tập huấn theo nhiệm vụ, chức năng. Nhiều nơi đã chủ động tập huấn cho cán bộ dự phòng, đảm bảo đủ điều kiện tham gia. Sáu là chủ động truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn xác định nội dung, thời điểm, phương thức truyền thông đúng, đủ, kịp thời để đưa thông tin về kỳ thi đến toàn xã hội. “Với 6 nội dung này, chúng tôi khẳng định toàn quốc đã chuẩn bị chu đáo, chủ động, đầy đủ, sẵn sàng để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế” – Thứ trưởng cho biết.

Huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên kiểm tra công tác coi thi

Báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị cũng cho thấy, thanh tra Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, video clip, biểu mẫu, sổ tay phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi; tham mưu tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi kỳ thi thuộc 63 sở GD-ĐT và 140 cơ sở GD-ĐT trong cả nước. Bên cạnh đó, tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi cho 60 cán bộ công chức của Bộ GD-ĐT; tập huấn nghiệp vụ kiểm tra chấm thi cho 283 cán bộ, công chức, viên chức của 63 sở GD-ĐT và 77 cơ sở giáo dục ĐH.


Không để thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở giao thông mà không đến được điểm thi

Vào ngày 18-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của bộ tại 63 sở GD-ĐT và hội đồng thi, huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu các cơ sở giáo dục ĐH tham gia. Cùng với đó, bộ ban hành quyết định thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 sở GD-ĐT với 264 cán bộ tham gia.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo các vụ, cục đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và Hậu Giang về công tác chuẩn bị thi. 4 đoàn công tác của lãnh đạo bộ và Ban chỉ đạo cấp quốc gia kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 10 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian từ ngày 8-6 đến ngày 18-6 gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 sở GD-ĐT.

Qua kiểm tra, Bộ GD-ĐT nhận định, các địa phương đã chủ động chuẩn bị cho kỳ thi; sớm thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh với đầy đủ các thành phần theo quy định; huy động cả hệ thống chính trị, sở ban ngành của tỉnh vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng thành viên… Sở GD-ĐT đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi theo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.


Lượng thí sinh dự thi năm nay tăng hơn 45.000 em

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra, một số địa phương chưa thực hiện thử nghiệm phương án xử lý tình huống bất khả kháng ở từng khâu với các đối tượng liên quan tổ chức kỳ thi, ví dụ như cấp điện, phòng cháy chữa cháy… Một số phòng thi còn tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh an toàn vòng ngoài.

Qua theo dõi kiểm tra và qua làm việc trực tiếp còn phát hiện một số khó khăn cần khắc phục ở một số địa phương. Cụ thể như khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số địa phương còn hạn chế về không gian ăn, ở cho đội ngũ in sao đề; quá trình kiểm tra, chỉnh sửa, duyệt hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh ở một số địa phương còn chậm; diễn biến thời tiết khí hậu ở các vùng miền dự báo còn biến động.

“Nghiêm túc nhưng không căng thẳng thái quá”

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chu đáo và thực tế; triển khai với phương châm vì học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Không để thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở giao thông mà không đến được điểm thi. Thứ trưởng lưu ý, thi cử phải nghiêm túc nhưng không căng thẳng một cách thái quá; phải có sự chu đáo, ân cần, thân thiện.

Để kỳ thi diễn ra đáp ứng các yêu cầu, Thứ trưởng lưu ý một số nội dung. Thứ nhất, tất cả ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16-5-2024. Trong đó nêu rất rõ nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh/ thành phố kèm theo nhiệm vụ của các bộ ngành, liên quan như công an, viễn thông, giao thông vận tải, y tế…

Thực hiện “4 đúng, 3 không”

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị ban chỉ đạo thi các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần “4 đúng, 3 không” trong quá trình tổ chức thi. “4 đúng” gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” gồm: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Và quan trọng, cần phải chu đáo và thân thiện giữa cán bộ làm công tác phục vụ kỳ thi với nhau; giữa giáo viên, cán bộ với học sinh để các em có tinh thần, tâm thế thoải mái nhất.

Thứ trưởng cho hay, có 5 nhóm nhiệm vụ chung cho các bộ, ngành. Thứ nhất, trong lãnh đạo, chỉ đạo, phải toàn diện, sâu sát. Thứ hai, công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt và hiệu quả, không chồng chéo. Thứ ba, công tác chuẩn bị phải chu đáo, kỹ lưỡng. Thứ tư, tổ chức thực hiện đúng khâu, đúng quy chế, quy trình. Thứ năm, công tác truyền thông phải chủ động, kịp thời, đúng, đủ để xã hội thấu hiểu, đồng thuận.

Các nhóm vấn đề trên tựu trung lại ở 4 từ “tuyệt đối an toàn”. Bao gồm an toàn về bảo quản, in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi; an toàn về vệ sinh thực phẩm; an toàn về phòng chống cháy nổ; an toàn về điện nước; an toàn giao thông… Chức năng an toàn này ở mỗi cấp, ngành, mỗi vị trí cần được cụ thể hóa, phân công trách nhiệm, rõ về nội dung và phương pháp chỉ đạo.

Thứ trưởng cũng đề cập việc xử lý kịp thời những vấn đề, tình huống phát sinh, bất thường. Với quy mô lớn, hàng triệu thí sinh, hàng trăm nghìn cán bộ tham gia vào công tác tổ chức thi không thể tránh khỏi những sơ suất, tình huống bất thường như thiên tai lũ lụt, điện, nước… nên phải có phương án dự phòng. Tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị không được phép vào phòng thi. Thứ trưởng cũng yêu cầu công tác chấm thi phải thực hiện đúng quy định, quy chế. Dù Bắc Kạn có 3.000 thí sinh hay Hà Nội tới trăm ngàn thí sinh thì cũng phải hoàn thành công tác chấm thi trong một tiến độ thời gian, đúng quy trình, quy định.

Mê Tâm

Bình luận (0)