Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hơn 10.000 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học được tập huấn SGK lớp 5

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 9-7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã khai mạc Hội thảo tập huấn, bồi dưỡng sách giáo khoa lớp 5 và sách giáo khoa ngoại ngữ 1 năm học 2024-2025. Hơn 10.000 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học được tập huấn trong dịp này.


Tiến sĩ Trịnh Cam Ly (áo hồng) – Chủ biên SGK tiếng Việt lớp 3, 4, 5, bộ Chân trời sáng tạo trao đổi với giáo viên trong buổi tập huấn

Nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK lớp 5 từ năm học 2024- 2025, từ ngày 3 đến 22-7, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng các nhà xuất bản triển khai 328 lớp tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp và 40 lớp trực tuyến về 34 bản SGK lớp 5 được UBND TP.HCM phê duyệt sử dụng trong các trường tiểu học từ năm học 2024-2025.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trước khi tham gia tập huấn, mỗi giáo viên được phân công giảng dạy lớp 5 đã có thời gian tự bồi dưỡng, nghiên cứu chương trình, SGK, sách giáo viên, tài liệu tập huấn, băng hình giới thiệu môn học, băng hình tiết dạy minh họa và các tài nguyên được nhà xuất bản cung cấp, từ đó nắm bắt thêm về tinh thần của các bộ sách.

Trong thời gian tập huấn, giáo viên có cơ hội được gặp gỡ, lắng nghe các Tổng Chủ biên, Chủ biên, tác giả chia sẻ trực tiếp về quan điểm biên soạn, cấu trúc sách, cấu trúc chủ điểm, bài học, về cách thức tổ chức hiệu quả các hoạt động học được thiết kế,…


Giáo viên mạnh dạn tham gia các hoạt động trong buổi tập huấn

Tiến sĩ Trịnh Cam Ly – Chủ biên SGK tiếng Việt lớp 3, 4, 5, bộ Chân trời sáng tạo- cho hay, các buổi tập huấn SGK là dịp để thầy cô tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về SGK mới. Từ đó, mỗi thầy cô sẽ nắm và hiểu rõ hơn về mục tiêu của chương trình mới, sẵn sàng tâm thế trong năm học mới.

Được phân công giảng dạy lớp 5 trong năm học tới, thầy Lê Tấn Phát – giáo viên Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) chia sẻ, ban đầu tiếp cận với SGK mới cũng thắc mắc về chương trình trong cách biên soạn của tác giả có dụng ý gì. Băn khoăn về việc sử dụng những phương pháp kỹ thuật dạy học nào để phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý học sinh cũng như phù hợp với yêu cầu cần đạt của bài học.

“Trong buổi tập huấn, giáo viên được cùng nhau thảo luận về cấu trúc bài học, quy trình của 1 tiết dạy; được các tác giả sách trực tiếp “gỡ khó” những băn khoăn, từ đó giúp giáo viên biết áp dụng những phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp, để tự tin đứng lớp…” – thầy Phát bày tỏ.


Hơn 10.000 giáo viên, cán bộ quản lý bậc tiểu học được tham gia tập huấn dịp này

Cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) cho biết, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường triển khai nhật ký tự bồi dưỡng cho giáo viên, chi tiết theo kế hoạch từng ngày. Nhật ký ghi lại quá trình tự học của thầy cô, bao gồm cả quá trình tự nghiên cứu SGK mới, với những thắc mắc, băn khoăn, chủ động nêu ra trong buổi tập huấn trực tiếp với tác giả sách.

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới, SGK mới ở khối 5 song theo cô Duyên, giáo viên lớp 5 có nhiều thuận lợi do được kế thừa tinh thần tập huấn, đổi mới về chương trình, SGK ở các khối lớp dưới. Bên cạnh đó, sau 4 năm học chương trình mới, các em học sinh rất sáng tạo, mạnh dạn, tự tin, phối hợp rất tốt với giáo viên trong các hoạt động.

Bước sang năm thứ 5 triển khai chương trình mới ở bậc tiểu học, TS. Nguyễn Thành Anh – Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM đánh giá, về tinh thần giáo viên đã có nhiều chuyển biến trong việc việc thực hiện 1 chương trình nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn dáng dấp giáo viên quá coi trọng SGK mà hơi lơ là về chương trình.

“Khi đưa ra những thảo luận hoặc những trao đổi về mặt chuyên môn, kiểm tra đánh giá thì căn cứ để viện dẫn phải là chương trình chứ không phải là sách giáo khoa”- TS. Thành Anh đề nghị.

Theo ông, năm đầu tiên thực hiện giảng dạy khối lớp 5 theo chương trình mới thầy cô sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhất là về cách tổ chức dạy học để hướng đến việc phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Chương trình tập huấn 20 ngày sẽ giúp giáo viên làm rõ thêm về chương trình, SGK, cấu trúc, nội dung, phương án tổ chức dạy học, xây dựng kế hoạch bài dạy, kiểm tra đánh giá, để có thể tự tin đứng lớp giảng dạy lớp 5 trong năm học mới.

Cô cho biết, đầu năm học mới, cán bộ quản lý sẽ tăng cường dự giờ, thăm lớp để nắm bắt những khó khăn của thầy cô, kịp thời tháo gỡ. Từ những khó khăn này, tổ khối có thể có thể xây dựng các tiết chuyên đề cho tổ khối, cho trường để giáo viên cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ.

“Năm học mới khi Chương trình GDPT 2018 triển khai ở cả 5 khối lớp, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng lớp học mở, để phụ huynh được cùng tham gia vào các hoạt động học tập cùng con ở trường, thấy được những điểm mới ưu việt của chương trình, có sự hỗ trợ, đồng hành với giáo viên, nhà trường chung tay trong giáo dục trẻ. Hình thức lớp học mở cũng giúp giáo viên nỗ lực xây dựng những tiết dạy hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực của trẻ…” – cô Mỹ Duyên nói thêm.

Yến Hoa

Bình luận (0)