Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hơn 10 nghìn giáo viên mầm non lương không đủ ăn sáng

Tạp Chí Giáo Dục

Như PV đã đưa tin, với đồng lương vẻn vẹn chỉ trên dưới 15 nghìn đồng/ngày (không đủ tiền mua tô phở bình dân), những ngày đầu năm học mới vừa qua, hơn 60 giáo viên mầm non ở xã Mậu Lâm và Thanh Tân, huyện Như Thanh, Thanh Hoá đã đồng loạt nghỉ dạy với lý do tiền lương quá thấp không đủ sống.
Giáo viên tha thiết “xin” được vào danh sách hộ nghèo

Theo khảo sát, hầu hết số giáo viên mầm non ngoài biên chế trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Thậm chí có khá nhiều gia đình cô giáo mầm non nằm trong diện hộ nghèo…
Cô giáo Phạm Thị Minh Hà, giáo viên trường mầm non Mậu Lâm xót xa kể: “Tôi vào nghề đã 15 năm nay rồi. Hàng ngày dạy dỗ, vui đùa với lũ trẻ, tôi coi các cháu như con. Rất yêu nghề, thương trẻ, tôi không hề muốn nghỉ việc, không muốn xa trường, nhưng vì đồng lương quá thấp không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình, bất đắc dĩ chúng tôi mới nghỉ việc tập thể thôi.

Ảnh minh họa

Nỗi buồn và những giọt nước mắt của các giáo viên trường Mầm non Mậu Lâm trong ngày khai giảng năm học mới

Thực tế hiện tại, theo hợp đồng, mỗi tháng đa phần giáo viên được chi trả 985 nghìn đồng. Sau khi trừ tiền BHXH, BHYT, quỹ công đoàn… chỉ còn lại trên dưới 500 nghìn đồng. Tính ra chỉ được trung bình 15 – 16 nghìn đồng/ngày. Trong khi đều phải dạy cả 2 buổi/ngày, tối về lại soạn giáo án, làm đồ chơi cho trẻ… Để tồn tại, rõ ràng là một thách thức nhất là với thời bão giá như hiện nay. 
"So với bạn bè đồng nghiệp được hưởng lương biên chế tôi thấy thua thiệt quá. Các thầy cô trong diện biên chế nhà nước được hỗ trợ đóng BHXH, BHYT họ chỉ phải đóng 5% lương thôi, còn các giáo viên dạy hợp đồng thì phải đóng 100% các loại bảo hiểm. Đúng là thiệt đơn thiệt kép”, giáo viên tên Hà tâm sự.
Còn cô giáo Vũ Thị Toàn (người đã có thâm niên công tác tại trường mầm non  22 năm) chua chát kể, "gắn bó với trường với các cháu bé từ lúc còn khó khăn đến nay cũng ngoài 20 năm. Khi giáo viên còn nhận lương bằng thóc, thì tôi được 1 tạ thóc/tháng, rồi 90 nghìn/tháng, sau tăng lên 150 nghìn/tháng, và hiện giờ tôi được hưởng trợ cấp mỗi tháng được hơn 900 nghìn. Sau khi trừ các khoản bảo hiểm, quỹ công đoàn, ủng hộ thiên tai… thì thu nhập chỉ còn lại chưa đầy 500 nghìn đồng. Còn kém xa mức lương cơ bản do nhà nước quy định".

 Ảnh minh họa

8 khu lẻ thuộc trường mầm non xã Mậu Lâm, huyện Như Xuân đã phải đóng cửa lớp vì giáo viên đồng loạt nghỉ dạy

Cuộc sống của chúng tôi khổ quá, nghèo quá, nói ra thì xấu hổ chứ đến bữa sáng cho con cũng không có, các cháu phải nhịn đói đến trường. Phận làm cha mẹ mình không thể cầm lòng mỗi khi nghĩ đến con cái phải chịu cảnh khổ – chị Toàn tâm sự.
Có một thực tế đáng buồn là mỗi khi thôn xóm bình bầu hộ nghèo, nhiều cô giáo xin được xét hộ nghèo để con cái đi học đỡ phần đóng góp nhưng bà con trong thôn bảo mình là giáo viên, không thể nghèo được, nên chẳng ai xét cho…
Cực chẳng đã, nhiều cô đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên để được hỗ trợ nhưng đều "vấp" phải lý do chờ: chế độ. Đây chính là nguyên nhân các giáo viên nghỉ việc mấy ngày để đề nghị lên cấp trên giải quyết chế độ.
Thậm chí nhiều giáo viên trường mầm non Mậu Lâm còn sẵn sàng đánh đổi: nếu nhà nước chưa xét tăng tiền trợ cấp hàng tháng thì họ sẽ nghỉ dạy một buổi còn một buổi dành để đi làm thuê kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.
Kiên nhẫn chờ… biên chế?
Trao đổi với phóng viên, Bà Cao Thị Thái, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 13.469 cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc học mầm non. Trong đó, số cán bộ, giáo viên, nhân viên ngoài biên chế là 10.335 người, bao gồm 8.138 người đang hưởng chế độ hợp đồng theo Quyết định 2480/2007 của UBND tỉnh, còn lại là những người thuộc diện hợp đồng với xã và huyện.
Cũng cần nói thêm, những giáo viên mầm non hợp đồng với xã, phường có những nơi giáo viên đứng lớp mà không có lương, chỉ nhận được khoảng 250 ngàn đồng/tháng tiền hỗ trợ từ ngân sách xã. Số giáo viên này họ đứng lớp chỉ với một hi vọng là một ngày nào đó sẽ được tuyển vào biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

 Ảnh minh họa

Nhiều trẻ nhỏ ở trường mầm non xã Mậu Lâm thẫn thờ khi các cô giáo đồng loạt nghỉ dạy.

Trả lời về những kiến nghị tăng tiền trợ cấp cho hơn 10 nghìn cán bộ, giáo viên bậc mầm non ngoài biên chế, bà Thái cho hay, tháng 5/2011, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã lập Đề án chuyển đối mô hình trường mầm non bán công sang công lập, tư thục và dân lập. Theo đó, nếu chuyển đổi sang công lập hoàn toàn mà nằm trong vùng 135, 30a, xã bãi ngang ven biển và vùng đặc biệt khó khăn thì giáo viên sẽ được hưởng lương theo ngân sách nhà nước. Nếu chuyển đổi sang công lập tự chủ một phần ở vùng nông thôn, trung du thì theo tỷ lệ 75 – 25 (tức là nhà nước hỗ trợ 75% lương còn lại là nhà trường tự lo 25%); còn ở khu vực thành phố, thị xã thì theo tỷ lệ 50 – 50.
Dự kiến khi Đề án được thông qua thì có khoảng 2.112 giáo viên ngoài hợp đồng sẽ được hưởng lương theo ngạch bậc. Để thực hiện Đề án cần trên 200 tỷ đồng, tuy nhiên hiện tại kinh phí mới xin được 2/3 nên đề án chưa triển khai được.
“Trước mắt, để giảm tải cho những giáo viên nằm ngoài biên chế ở các điểm trường lẻ ở các huyện miền núi, từ tháng 9/2011, ngành giáo dục Thanh Hóa sẽ thực hiện giảm tải cho số giáo viên này từ dạy 2 buổi/ngày xuống dạy một buổi/ngày đối với nhà trẻ, mẫu giáo 3, 4 tuổi; riêng mẫu giáo 5 tuổi vẫn thực hiện 2 buổi/ngày để đảm bảo chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi”, nữ trưởng phòng cho biết.
Sau khi sự việc được đăng tải, nhiều độc giả chia sẻ và tỏ lòng thán phục trước tinh thần “dũng cảm” và đức hy sinh của các cô giáo mầm non Thanh Hoá. Bác Nguyễn Thị Vân, Tp. Thanh Hoá chia sẻ, có gửi con, có đến trường mầm non mới biết các cô vất vả như thế nào. Đi ngày 2 buổi, thậm chí trưa không được về nhà; dạy cho độ tuổi này đã khó, chăm sóc cho các cháu còn khó hơn. Hai vợ chồng chăm sóc 1 đứa con nhỏ vất vả một, thì 2 cô chăm sóc 40 cháu của một lớp chắc chắn phải vất vả hơn gấp nhiều lần!
Cái khổ nhất là phải thường xuyên đối diện với những điều thị phi. Các cháu còn quá nhỏ nên bố mẹ dành hết cho con sự quan tâm, dành hết thương yêu. Chính vì vậy, một sự cố đến với các cháu như bị ngã, bị bạn đánh, xước da chảy máu, quần áo không sạch… thì bố mẹ rất xót xa, và sẵn sàng nặng lời với các cô. Không ít phụ huynh còn kiện cáo và đòi đuổi việc giáo viên, hoặc phóng đại để bêu rếu các cô. Vậy mà lương ngày không đủ tô phở, thật đau lòng! 
Trong khi chờ đợi những chính sách hỗ trợ tích cực của nhà nước, hơn 10 nghìn cán bộ, giáo viên ngoài biên chế ở bậc học mầm non tại Thanh Hoá vẫn cố bám trường, bám lớp trong tâm trạng trĩu nặng lo âu vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Xin nhấn mạnh: Chuyện hàng nghìn giáo viên mầm non ngoài biên chế ngừng dạy học là sự kiện lần đầu tiên xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa.

Theo Hoàng Sơn
(VnMedia)

Bình luận (0)