Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hơn 10 triệu người có triệu chứng bàng quang tăng hoạt

Tạp Chí Giáo Dục

Bàng quang tăng hoạt (BQTH) là bệnh lý thường gặp về đường tiết niệu, biểu hiện bằng các triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, tiểu đêm (loại trừ các bệnh lý thực thể của bàng quang và đường tiểu dưới). Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 16-17% dân số mắc bệnh. Ở Việt Nam, có hơn 10 triệu người có các triệu chứng của BQTH, chiếm khoảng 11% dân số. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, tỉ lệ mắc ở nữ giới thường cao hơn so với nam giới. Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.

Gần đây, BV ĐH Y Dược TP.HCM tiếp nhận nhiều người đến khám do có các triệu chứng của BQTH.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân – Trưởng khoa Niệu học chức năng, BV ĐH Y Dược – cho biết, dù bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại tác động lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây cảm giác khó chịu, phiền toái, thậm chí mặc cảm, tự ti trong công việc và sinh hoạt. Mới đây, bệnh nhân N.T.K (35 tuổi, ngụ Phú Yên) đã đến BV ĐH Y Dược thăm khám trong tình trạng đi tiểu nhiều lần. Không chỉ ban ngày, vào ban đêm, chị thường mất ngủ vì phải thức dậy để tiểu. Dù đã đi khám tại nhiều BV nhưng tình trạng không cải thiện. Tại BV ĐH Y Dược, các BS đã theo dõi nhật ký bàng quang và phát hiện bệnh nhân có thói quen uống nước quá nhiều vào cả buổi sáng và buổi tối, dẫn đến các triệu chứng BQTH. Các BS đã điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, hạn chế thói quen uống nước quá nhiều của bệnh nhân kết hợp điều trị bằng thuốc. Kết quả chỉ sau 2 lần điều trị, mỗi lần tái khám sau 2 tuần, các triệu chứng bệnh của bệnh nhân đã giảm tới 70%.

Tương tự, bệnh nhân H.T.L (55 tuổi, TP.HCM) bị các triệu chứng của BQTH đã nhiều năm nay. Bệnh nhân đi tiểu trung bình hơn 10 lần/ ngày, tiểu đêm ít nhất 2 lần và thỉnh thoảng tiểu không kiểm soát. Tại BV, sau hơn 4 tháng điều trị, các triệu chứng được cải thiện đến 80%. Bệnh nhân được hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp và tiếp tục được điều trị bằng thuốc.

BS Ân chia sẻ, các biện pháp điều trị hội chứng BQTH bao gồm: điều chỉnh chế độ sinh hoạt và cách ăn uống, dùng một số thuốc đặc trị như thuốc kháng muscarinic, nếu không cải thiện triệu chứng thì xem xét thực hiện một số thủ thuật can thiệp. Các biện pháp này được áp dụng tùy thuộc vào mức độ của bệnh và đã cho thấy tính hiệu quả trong điều trị. Trong đó việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt như hạn chế thức ăn, thức uống gây kích thích bàng quang (thức ăn cay nóng, nước có ga, cà phê, bia rượu…); uống lượng nước vừa đủ mỗi ngày, tập đi tiểu theo giờ… có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng. Đối với các trường hợp nặng, người bệnh cần được điều trị phối hợp giữa điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dùng thuốc kháng muscarinic. Trong trường hợp kháng thuốc, người bệnh cần được thực hiện các thủ thuật để nâng cao hiệu quả điều trị như tiêm botox vào bàng quang, đặt máy điều biến thần kinh cùng, kích thích thần kinh chày… Đặc biệt khuyến cáo đối với người dân có các triệu chứng của bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến cơ sở chuyên khoa để được BS khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Nhã Nam

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)