Hội nhậpThế giới 24h

Hơn 100 nhà lãnh đạo nêu những vấn đề nóng về khí hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Báo cáo của LHQ cho biết trái đất đang trải qua “biên niên sử hỗn loạn về khí hậu” với 8 năm nóng nhất lịch sử.

Lãnh đạo hơn 100 nước trên thế giới ngày 7.11 bắt đầu 2 ngày phát biểu về những vấn đề nóng tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập), nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo Reuters, trong số đó có những nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và đang kiên trì thu hút tài trợ quốc tế giúp ứng phó.

Hơn 100 nhà lãnh đạo nêu những vấn đề nóng về khí hậu - ảnh 1

Đại biểu tham gia hội nghị COP27 chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm El-Sheikh. REUTERS

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo rằng hành tinh của chúng ta “trong cảnh hiểm nguy” ngay khi đang diễn ra COP27, đồng thời dẫn báo cáo của LHQ cho biết trái đất đang trải qua “biên niên sử hỗn loạn về khí hậu” với 8 năm nóng nhất lịch sử. Chỉ trong vài tháng qua, lũ lụt tàn phá Pakistan và Nigeria, hạn hán diễn ra tại châu Phi và Mỹ, lốc xoáy gây thiệt hại tại vùng Caribbean và những đợt nắng nóng chưa từng thấy tại nhiều châu lục.

Sau 2 ngày đàm phán căng thẳng trước hội nghị, các bên đồng ý đưa vấn đề “tổn thất và thiệt hại” vào chương trình hội nghị. Các nhà đàm phán còn đồng ý về việc không để khủng hoảng kinh tế gia tăng làm trì hoãn hành động đối phó mối đe dọa rõ ràng từ tình trạng ấm lên toàn cầu.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Chủ tịch COP27, nhấn mạnh rằng bất cứ hành động gì hiệu quả phải dựa trên nỗ lực chung và không bỏ sót một ai. Ông lưu ý rằng các nước giàu chưa tuân thủ cam kết về việc cung cấp 100 tỉ USD/năm giúp các nước đang phát triển “xanh hóa” nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời than phiền rằng phần lớn việc cấp vốn dựa trên các khoản vay.

Một báo cáo của chuyên trang Carbon Brief (Anh) cho thấy Mỹ, Anh, Canada và Úc chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm hỗ trợ tài chính, khi còn thiếu hàng tỉ USD trong “phần chia sẻ công bằng” của họ giúp các nước đang phát triển đối phó biến đổi khí hậu.

Theo Khánh An/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)