Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hơn 100 trường đại học khất nợ “chuẩn đầu ra”

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH phải công bố “chuẩn đầu ra” vào cuối năm 2008. Việc tưởng trong “tầm tay”, nhưng đến hạn, số trường ĐH công bố chất lượng sản phẩm “ra lò”- chỉ vẻn vẹn… 3.
Nhiều trường sắp và sẽ… 
Giảng đường ĐH
Tại hội nghị về chất lượng giáo dục ĐH tổ chức đầu năm 2008, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu “tháng 12/2008, tất cả các trường ĐH phải công bố chuẩn đầu ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH".
Đến nay, ở phía Nam mới có 2 trường ĐH chính thức công bố “chuẩn đầu ra”. Đó là ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM. Phía Bắc có trường ĐH thương mại.
Một số trường chuẩn bị công bố “chuẩn đầu ra” của các khoa, ngành như ĐH Bách khoa TP.HCM…
Theo TS. Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo của trường, hiện nay các khoa đã soạn thảo xong ’chuẩn đầu ra". Trường sẽ công bố sau khi chỉnh sửa.
Theo đó, trường đã thiết lập chuẩn tiếng Anh TOEIC 450 dự kiến công bố cho khóa 2009 ngay từ khi tuyển sinh, chuẩn đầu ra được xây dựng chi tiết cho tất cả các chương trình đào tạo (CTĐT) mới với định hướng chuẩn ABET (khối Kỹ thuật ĐH Mỹ) với 11 mục, riêng ngành Quản lý Công nghiệp có mẫu phù hợp.
Cũng theo ông Nam, nhà trường đã khởi động làm lại hoàn chỉnh tất cả các CTĐT từ hơn 1 năm nay. Hội đồng Khoa học và Đào tạo của trường đang góp ý để thông qua các chương trình mới này.
Đáng lưu ý ở các trường đã công bố, TOEIC 450 đều là chuẩn bắt buộc.
Ông Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Kinh tế cho biết: "Chuẩn TOEIC chỉ áp dụng đối với khoá 34 ĐH chính quy trở về sau. Đối với những khoá trước, nhà trường không áp dụng chuẩn này".
Đến hạn, chép mục tiêu công bố?
Nhiều trường được hỏi đều chưa “bắt tay” xây dựng chuẩn. Một số trường khác cho rằng “mục tiêu đào tạo của từng ngành hay chuyên ngành là chuẩn đầu ra”.
Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long Phan Huy Phú cho rằng, “chuẩn đầu ra chính là mục tiêu đào tạo. Do vậy, đến hạn, trường sẽ chép mục tiêu để công bố”.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn phân tích: từ khi xây dựng chương trình đào tạo của mỗi ngành đều có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể cần đạt sau mỗi khóa học.
Do vậy, khi sinh viên đạt các mục tiêu cụ thể nhà trường đề ra đồng nghĩa đạt các "kết quả mong đợi" của mỗi chương trình – đó là chuẩn đầu ra, ông Sơn nói.
Từ kinh nghiệm xây dựng “chuẩn đầu ra” trong gần 1 năm qua, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại Nguyễn Bách Khoa phân tích, “chuẩn đầu ra” và “mục tiêu đào tạo” có quan hệ mật thiết, bởi: mục tiêu là căn cứ để xây dựng. Và “chuẩn đầu ra” là những kiến thức cần đạt của mỗi sản phẩm ra trường.
“Trường gấp rút xây dựng chuẩn đầu ra, một mặt lo không làm theo yêu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ khấu trừ chỉ tiêu dẫn đến giảm thương hiệu. Mặt khác, việc xây dựng thấy có lợi hơn trong đánh giá chất lượng đào tạo, đồng thời nâng cao trách nhiệm của giáo viên, dù công việc có nhiều hơn” – ông Khoa nói.
“Chuẩn”: Phân biệt rõ những ngành học na ná
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, nhiều trường khi mới thành lập hoặc mở ngành đào tạo mới thường chủ yếu chỉ copy lại chương trình đào tạo của một trường nào đó mà không đầu tư để xây dựng chương trình đào tạo có đặc thù riêng…
Vẫn theo ông Khoa, so sánh giữa “chuẩn đầu ra” và mục tiêu đào tạo thì thấy có một số điểm khác.
Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân:Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng, ngành giáo dục chưa đòi hỏi người sử dụng tham gia vào quá trình đào tạo; nhiều ngành đào tạo còn chưa có chương trình khung; từ đó dẫn đến việc chúng ta thiếu công cụ, thiếu chế tài đối với giáo dục ĐH”.
“Chuẩn đầu ra” giúp giảng viên phân biệt được sự khác nhau về kỹ năng giảng dạy giữa lý thuyết và thực hành ở từng chuyên ngành đào tạo, mà trong mục tiêu từng chương trình không thể diễn đạt hết.
Từ đó, đòi hỏi giảng viên phải đổi mới phương pháp, nâng cao trách nhiệm.
Do vậy, chuẩn đầu ra các ngành, chuyên ngành đào tạo của trường công bố được xây dựng chi tiết hơn các mục tiêu đào tạo về kiến thức nền, kiến thức cơ sở, kiến thức ngành và kiến thức chuyên sâu.
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhìn nhận: Trước nay chúng ta vẫn xem chương trình và mục tiêu đào tạo là cái mà người học phải đạt được khi ra trường. Mục tiêu này thường được xác định một cách định tính và khá chung chung, khiến người học không biết được lúc nào mình đạt được. Người sử dụng lao động cũng khó biết được người mình tuyển dụng có phù hợp.
Việc có một văn bản công bố định lượng các kiến thức, kỹ năng của SV tốt nghiệp để mọi người đều biết về “chuẩn đầu ra” là cần thiết. Người học sẽ biết được mình cần học gì để đạt chuẩn và sau khi học, mình sẽ làm được gì.
ĐH Kinh tế TP.HCM xem “chuẩn đầu ra” là cơ sở pháp lý của nhà trường trong việc đào tạo SV đáp ứng yêu cầu xã hội.
Thế nhưng, sau một năm lục tục xây dựng, cả nước mới có 3 trường ĐH công bố “chuẩn đầu ra”.
Bộ GD-ĐT "nợ" kết quả kiểm định chất lượng? 
Tiến sĩ Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT): 20 trường kiểm định chất lượng đợt đầu đều đạt. Tuy nhiên, hầu hết các kết quả tự đánh giá của 20 trường ĐH đưa ra Hội đồng thẩm định quốc gia đều bị hạ xuống mức thấp hơn. Có trường bị hạ tới 10 tiêu chí.
Từ việc thẩm định, Hội đồng có nhận xét, việc đánh giá ngoài trong công tác kiểm định chất lượng của các trường cũng khá chặt chẽ. Với những trường bị hạ một số tiêu chí đều được các đoàn đánh giá ngoài thông báo để trường có khiếu nại, nếu thấy không hợp lý – đoàn sẽ đưa ra một số dẫn chứng để trường chấp nhận.
Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Phạm Xuân Thanh cho hay, theo cam kết, đến hết tháng 5/2009 sẽ hoàn thành công tác kiểm định chất lượng của 60 trường ĐH nữa.
Hội đồng thẩm định quốc gia đã rà soát báo cáo đánh giá ngoài và hoàn toàn có thể chấp nhận được. 20 trường ĐH kiểm định đợt đầu đã xong và Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản thông báo kết quả cho tất cả các trường.
Văn bản công nhận đạt chuẩn kiểm định gửi cho 20 trường có thông báo: kết quả họp của Hội đồng thẩm định quốc gia; một số tiêu chí trường tự đánh giá, đánh giá ngoài được cái này – Hội đồng xem xét bỏ phiếu đồng ý với kết quả đó. Có trường đạt 92%, nhưng cũng có trường đạt 70%.
Văn bản còn khẳng định những điểm mạnh và một số tồn tại mà nhà trường phải khắc phục. Việc khắc phục sẽ hoàn thành sau 6 tháng, khoảng tháng 10/2009 phải hoàn thiện được những điểm yếu cần khắc phục.   
 20 trường ĐH tham gia kiểm định chất lượng GD đợt đầu gồm: ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, ĐH Hàng hải, ĐH Kinh tế quốc dân HN, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN), ĐH Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Vinh, ĐH Nông nghiệp I, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Thủy sản Nha Trang, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Nông lâm TP.HCM và 2 trường ĐH dân lập là ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH dân lập Văn Lang.
Kiều Oanh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)