Đến thời điểm này, hơn 2.000 lao động Việt Nam đã phải về nước trước thời hạn, nhiều nhất là Đài Loan 1.500 người, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhu cầu nhận lao động Việt Nam ở các thị trường quen thuộc vẫn có dấu hiệu suy giảm.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH nhận định: Năm 2009 sẽ là năm khủng hoảng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế thi năm 2009 sẽ có khoảng 30 triệu người mất việc làm do khủng hoảng kinh tế, do nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế phải điều chỉnh ngân sách, cắt giảm lao động và giảm tối đa các nguồn chi.
Hiện, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ nhận lao động của Việt Nam đều đã bị ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, đến thời điểm này, hơn 2.000 lao động Việt Nam đã phải về nước trước thời hạn, nhiều nhất là Đài Loan 1.500 người, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản… Những lao động vẫn còn ở nước ngoài thì cũng không tránh khỏi bị giảm các khoản thù lao, tiền lương, chế độ xã hội, việc làm cũng không đủ, thất thường, thiếu việc làm thêm.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đệ trình lên Chính phủ những giải pháp kích thích xuất khẩu lao động trong thời gian tới. Đó là mở rộng tìm kiếm thị trường và nhu cầu lao động ở các nước. Đồng thời nâng cao chất lượng tay nghề, đào tạo nghề phù hợp với chuẩn quốc tế cũng như tăng cường khả năng ngoại ngữ của lực lương lao động xuất khẩu, nhằm đáp ứng nhu cầu của những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, cụ thể là khu vực Trung Đông.
Cũng trong năm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nhất nước. Trong chương trình này có 1 phần đề án đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động của người dân 61 huyện.
P. Thanh (dantri)
Bình luận (0)