Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể chọn học TC-CĐ, nhưng nếu có điều kiện, các em nên học ĐH. Bởi đây là môi trường giúp các em có nhiều cơ hội để phát triển và rèn luyện bản thân. Cùng với chương trình đào tạo đa dạng, sinh viên sẽ trở thành một lao động có chuyên môn, năng lực và dễ dàng tìm được việc làm.
ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho học sinh trong chương trình
Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 vừa diễn ra tại Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.Thủ Đức). Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Lựa chọn ngành học như thế nào?
Không còn bao lâu nữa học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ thi tốt nghiệp THPT và lựa chọn con đường để thực hiện đam mê của bản thân. Một trong những băn khoăn của các em trong thời điểm này là lựa chọn bậc học. Bởi các em biết rằng, sau THPT sẽ có nhiều hướng đi khác nhau và tùy vào nhu cầu có thể chọn học TC, CĐ hay ĐH.
Tháo gỡ khó khăn cho các em, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, hiện cả nước có khoảng 237 trường ĐH, trong đó phía Nam có khoảng 150 trường với tổng cộng khoảng 367 ngành đào tạo, hơn 1.000 nghề và trên 20.000 đầu công việc. Điều này cho thấy có rất nhiều công việc để làm. Sinh viên học một ngành có thể làm nhiều nghề khác nhau. Chẳng hạn, một sinh viên chọn học ngành về khoa học như hóa học hay vật lý…, các em thường nghĩ chỉ có thể làm công việc liên quan đến nghiên cứu ở những viện nghiên cứu, trường ĐH nào đó nhưng thực chất các em vẫn có thể làm việc với vị trí thẩm định vàng, đá quý. Đây là công việc đòi hỏi người biết về khoa học, có tư duy nghiên cứu mới biết được chất lượng của vàng, đá quý để giúp cho ngân hàng hay kho bạc phân định chất lượng. Khi lựa chọn ngành học nào đó, các em cần dựa vào điều mình thích, giỏi và nhu cầu xã hội. “Mỗi em sẽ có những lựa chọn khác nhau nhưng với môi trường ĐH sẽ là cơ hội để các em thỏa sức học tập, rèn luyện. Cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở, quan trọng là bản thân người học có năng lực và quyết tâm để theo đuổi”, ThS. Quán chia sẻ.
Để học sinh rõ hơn về bậc ĐH, ThS. Vương Văn Khởi (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) đã giới thiệu nhiều lợi ích khi học sinh lựa chọn học tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM. Theo ThS. Khởi, khi xét tuyển vào trường, sinh viên sẽ được đào tạo song ngữ với 50% chương trình học bằng tiếng Anh và 50% bằng tiếng Việt. Với sinh viên chưa giỏi tiếng Anh, nhà trường sẽ đào tạo giúp các em củng cố lại kiến thức để đạt trình độ IELTS 5.5 sau đó mới học chuyên ngành. Trong quá trình học, sinh viên còn được đi thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp để nâng cao khả năng nghề nghiệp. Từ môi trường thực tập, nhiều sinh viên cũng tìm được việc làm ngay sau khi ra trường. “Có nhiều con đường để đi nhưng nếu các em biết rõ lựa chọn của mình và có kế hoạch phù hợp sẽ thành công”, ThS. Khởi nhấn mạnh.
Muốn tiếp cận môi trường học quốc tế
Trong chương trình, em Quỳnh Anh (học lớp 12A5) thắc mắc: “Khi học ĐH, nhà trường có liên kết với những trường ĐH ở nước ngoài để đào tạo không, học bổng thế nào?”. Trả lời thắc mắc này, ThS. Nguyễn Thị Việt Tú (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) cho hay, hiện Trường ĐH Quốc tế có 21 chương trình đào tạo, 24 chương trình liên kết với đối tác là các trường ĐH ở nước ngoài. Khi học tại trường, sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh với nguồn kiến thức chuẩn quốc tế. Vì vậy, khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ dễ dàng tìm đươc việc làm tại những công ty, doanh nghiệp hàng đầu, tầm cỡ quốc tế với mức lương hấp dẫn. “Về mức học bổng, mỗi năm nhà trường đều dành khoảng 37 tỷ đồng cho học bổng tuyển sinh, khuyến khích học tập cho sinh viên. Nếu sinh viên có thành tích học tập tốt, đáp ứng yêu cầu thì việc nhận được học bổng của nhà trường nằm trong tầm tay”, ThS. Tú khẳng định. Một học sinh khác hỏi: “Học ngành kinh tế luật có giao lưu với sinh viên nước ngoài không?”. ThS. Nguyễn Thanh Quyên (Trường ĐH Luật TP.HCM) thông tin, năm 2022, Trường ĐH Luật TP.HCM tuyển sinh thông qua phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Với nhiều chuyên ngành đào tạo như: Luật, kinh tế luật, quản trị luật, quản trị kinh doanh…, sinh viên không chỉ được đào tạo kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội giao lưu, trao đổi với sinh viên các trường bạn, trong đó có sinh viên nước ngoài. Việc này giúp các em được rèn luyện kỹ năng, ngoại ngữ và nhiều kiến thức liên quan đến công việc sau khi tốt nghiệp ra trường.
Học sinh Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.Thủ Đức) đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Tương tự, một học sinh nam băn khoăn: “Em muốn học ngành lập trình máy tính. Vậy em nên lựa chọn chương trình học 2 năm tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp sang nước ngoài hay đi du học ngay từ đầu?”. Giải đáp băn khoăn này, bà Phan Đào Mai Linh (Trưởng phòng Đào tạo phân hiệu Trường ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho rằng trước khi đi du học, học sinh cần chuẩn bị kỹ từ tâm lý cho đến khả năng ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây không chỉ là nghe hiểu để trao đổi với thầy cô, bạn bè mà còn có thể đọc được tài liệu nước ngoài. Theo bà Linh, việc học sinh lựa chọn học ngành lập trình máy tính là sự lựa chọn tốt, phù hợp với xu thế công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, để việc lựa chọn được tốt, bản thân phải luôn trong tâm thế sẵn sàng khi bước vào môi trường học tập ở nước bạn, học sinh nên lựa chọn học chương trình liên kết quốc tế 2 năm tại Việt Nam, 2 năm tại nước ngoài. Khi học như vậy, trong 2 năm đầu, nhà trường sẽ giúp các em trang bị kỹ năng, tiếp cận với chương trình học chuẩn quốc tế. Sau đó, các em có thể chuyển tiếp sang Mỹ học tiếp để nhận bằng cử nhân do ĐH Broward Hoa Kỳ cấp. “Những năm gần đây, nhiều sinh viên lựa chọn chương trình học chuyển tiếp để theo đuổi ước mơ đi du học. Do đó, khi bước ra nước ngoài các em tiếp cận với môi trường học tập rất nhanh, cơ hội thành công cao”, bà Linh cho biết.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)