Cô Nguyễn Thị Kim Dung cùng các cháu mầm non |
Một lần cùng chị vào thăm các bé lớp cơm nát (từ 1 đến 2 tuổi), tôi vô cùng ấn tượng khi nghe những đứa trẻ này bi bô: “Dung. Dung ơi!…”. Chị tươi cười “dạ” một tiếng thật to rồi ôm lấy các bé. Những người không biết sẽ nghĩ họ là mẹ con…
Chị là Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1960) – Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 TP.HCM. Hơn 20 năm gắn bó với ngôi trường này, chị đã đón hàng ngàn đứa trẻ mới chập chững bước đi, nước mắt nước mũi nhễu nhão khi mẹ đưa tới trường. Rồi chị lại tiễn những đứa trẻ ấy ra trường. “Ngày vào trường thì bé tẹo, đến khi ra trường trông ra dáng người lớn lắm. Cô, cậu nào cũng chững chạc…”, chị nhớ lại.
Ngã rẽ bất ngờ…
Năm 1978, chị thi đậu vào Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với số điểm rất cao. Học được 1 tháng thì có giấy gọi đi du học… Năm 1979, chị sang Nga. Cứ tưởng sẽ được học toán như ước mơ ban đầu, nào ngờ lại phải học tâm lý giáo dục mầm non tại Trường Sư phạm Lê-nin (Mát-xcơ-va).
Những ngày ở Nga, chị không chỉ học lý thuyết suông mà có rất nhiều thời gian đi thực tế tại các trường mầm non. Tại đây, chị đã dạy cho các bé gấp máy bay, thuyền giấy, tổ chức các trò chơi dân gian Việt Nam. Những học trò Nga tỏ ra thích thú và dành cho chị một tình cảm rất đặc biệt.
6 năm ròng rã học tập nơi xứ người, năm 1985 chị về nước. Tháng 8-1985, chị về Trường Sư phạm Mẫu giáo TP (nay là Khoa Mầm non Trường ĐH Sài Gòn) làm giảng viên.
Còn trẻ nên chị rất nhiệt tình, lăn xả với công việc. Không chỉ làm công tác chuyên môn, chị còn hăng hái tham gia các hoạt động phong trào. “Hè. Mình cùng các em giáo sinh xuống xã Long Hòa, Tam Thôn Hiệp – huyện Cần Giờ tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ. Gom những đứa trẻ lại rồi dạy cho các em hát, múa… Tụi nhỏ thích lắm, chưa tới 6 giờ sáng đã kéo nhau tới trước cửa phòng của các cô để chờ”, chị nhớ lại.
Những ngày tháng lăn lê bò toài cùng đám trẻ ở nông thôn đã giúp chị hiểu hơn về trẻ em. Nó đã giúp chị rất nhiều trong công việc sau này.
Năm 1987, chị được Ban giám hiệu Trường Sư phạm Mẫu giáo phân công phụ trách chuyên môn các lớp mầm non thực nghiệm của trường. Đây là dịp để chị thể hiện những kiến thức đã học ở trường cũng như những kinh nghiệm chị góp nhặt được trong cuộc sống. Chất lượng giáo dục ở các lớp mầm non này ngày càng được nâng cao, tạo được sự tín nhiệm của phụ huynh. Theo đó, số lớp đã tăng từ 3 lớp lên 9 lớp…
Vượt qua những gập ghềnh
“Mẹ đã truyền lửa cho mình. Những ngày theo mẹ đi sơ tán ở Hà Tây, nhìn thấy mẹ và các cô dạy học, mình đã học hỏi được rất nhiều. Khi học về chữ cái, mẹ dán chữ vào cái quạt giấy, học đến chữ nào thì xòe ra. Lúc học vần iếp, mẹ bắt con gà con bỏ vào cái hộp để nó kêu chiếp chiếp. Buổi tối, cô và trò ngước nhìn lên bầu trời đêm và nó ngôi sao này là cô, ngôi sao kia là con…”, chị Dung tâm sự. |
Tháng 3-1998, chị về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 TP. “Lúc đó mình run lắm. Bởi Trường Mầm non 19-5 có tới 18 lớp, nhiều gấp đôi so với các lớp mầm non thực nghiệm tại Trường Sư phạm Mẫu giáo TP. Nhân sự ở đây cũng đông nữa, tới 108 người, bên kia chưa tới 40 người. Không chỉ có vậy, đây còn là trường trọng điểm của thành phố”, chị nhớ lại.
Nhưng trên hết là bởi tuổi đời và tuổi nghề của chị còn rất trẻ. Theo đó, có không ít người tỏ ra không tin tưởng chị sẽ làm được. Thậm chí có người còn cho rằng chị chỉ làm được vài năm là xin đi nơi khác thôi, làm sao mà trụ nổi.
May mắn cho chị là luôn có mẹ (NGND Vũ Thị Oanh Cơ – nguyên Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Lư, Phó phòng GD-ĐT Q.1) động viên, giúp đỡ. Bên cạnh đó, chị cũng nhận được sự hỗ trợ của các hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn Q.1. Và đặc biệt là niềm tin của Phòng GD Mầm non Sở GD-ĐT TP như tiếp thêm sức mạnh cho chị.
Ngoài ra, phần lớn giáo viên trong trường từng là học sinh của chị tại Trường Sư phạm Mẫu giáo TP ngày trước nên áp lực công việc bớt nặng hơn. “Mặc dù đã ra trường đi dạy nhiều năm nhưng tình cảm của các em dành cho mình vẫn như ngày xưa – đó là mối quan hệ thầy trò. Sự gần gũi này đã giúp giáo viên mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với hiệu trưởng. Qua đó, mình biết khắc phục những hạn chế, thiếu sót…”, chị tâm sự.
Trường đang hoạt động ngon lành, thiếu gì đã có ngân sách cấp thì đùng một cái năm 2000 phải chuyển qua hệ bán công. Mọi khoản thu chi trong trường đều phải dựa vào học phí. Thời gian đầu, mức lương tối thiểu chỉ có 180.000 đồng/ tháng nên với mức học phí 200.000đ/ tháng/ HS (mẫu giáo) và 250.000đ/ tháng/ HS (nhà trẻ), nhà trường cũng dễ thở hơn. Lương và phụ cấp tạm đủ để giáo viên gắn bó với nghề. Tuy vậy, mức lương khởi điểm cứ tăng dần dần từ 180.000đ lên 210.000đ, rồi lên 350.000đ, 450.000đ… và hiện nay đã tăng lên 730.000đ. Trong khi đó, mức thu học phí thì vẫn giậm chân tại chỗ. Điều đó đã gây không ít khó khăn trong việc trả lương cho giáo viên – công nhân viên.
Phải làm gì đây để đảm bảo đời sống của giáo viên – công nhân viên cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, luôn khiến chị trăn trở. Phải chăng là “bắt chước” một số trường bán công đi gõ cửa khắp nơi với hy vọng được ngân sách hỗ trợ. Nếu làm vậy liệu có thành công không? Tại sao lại không nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh – những ông bố, bà mẹ đang giao con cho trường? Sau nhiều đêm suy nghĩ và nhiều lần bàn bạc với các đồng nghiệp, cuối cùng chị quyết định nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh.
Muốn được hỗ trợ, trước tiên phải làm phụ huynh hài lòng bằng cách chăm sóc thật tốt con cái của họ. Theo đó từ cấp dưỡng, bảo mẫu, giáo viên đến Ban giám hiệu đều cố gắng làm tốt công việc của mình trong việc chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, vui chơi và học tập của trẻ.
Nhìn thấy con mình mỗi ngày một khôn lớn, nhanh nhẹn, các ông bố, bà mẹ đã tự nguyện hỗ trợ kinh phí nâng cao đời sống bảo mẫu, giáo viên, sửa chữa trường lớp. Bởi vậy, Trường Mầm non 19-5 đã vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác để đạt được những thành tích đáng nể.
Trường là ngôi nhà thứ 2
Hơn 20 năm gắn bó với ngôi trường này, chị đã có biết bao nhiêu kỷ niệm với đồng nghiệp, nhân viên, học trò và với phụ huynh. Nhưng dù là chuyện vui hay buồn thì với chị Trường Mầm non 19-5 chính là ngôi nhà thứ 2 của mình. “Đi đâu mình cũng muốn nhanh về trường. Vừa về tới cổng là các bé chạy ra, ôm lấy cô. Bé lớn thì chào cô Dung, bé nhỏ thì Dung. Bao nhiêu mệt nhọc bỗng nhiên tan biến”, chị mãn nguyện.
Chính vì coi trường là ngôi nhà thứ 2 nên từ khi mới về trường chị đã luôn mày mò sửa chữa, nâng cấp trường sao cho đẹp và phù hợp nhất với lứa tuổi mầm non. “Tụi mình đã mua một số tạp chí về trang trí nội thất, đi thăm các trường bạn thấy cái gì hay – đẹp là chụp ảnh… Từ những tư liệu này, tụi mình mời kiến trúc sư tới từng phòng học để thiết kế. Chính vì vậy mà mỗi phòng học của trường là một sự khác biệt. Cái nhà vệ sinh cho bé ở ngoài sân trường, phòng làm việc của bảo vệ đến cổng trường, tất cả đều được sửa chữa, làm mới sao cho phù hợp nhất”, chị kể.
Có lẽ vì vậy mà mỗi năm đến trường, mọi người đều phát hiện ra những nét mới của trường. Nhiều phụ huynh sau khi có con ra trường đã ghé qua và vô cùng ngạc nhiên trước sự thay đổi. Có phụ huynh trách cô: “Ngày cháu học ở đây, sao cô không làm trường đẹp như vậy”. Cũng có phụ huynh nói: “Trường ngày càng đẹp, em phải sinh thêm một đứa nữa cho bé học ở đây”…
Bỗng dưng trở thành cô nuôi dạy trẻ, đối với chị không biết là duyên hay là nợ. Song, mỗi ngày qua đi chị đang cố gắng làm thật tốt công việc của mình. Và “Nếu được chọn lại mình vẫn sẽ chọn nghề cô nuôi dạy trẻ. Vì mình đã thành công và trên hết mình rất hạnh phúc”, chị nói.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)