Cô Đặng Thị Thu Thảo đang gọt bút chì cho HS
|
“Căn nhà này có người kêu tôi cho thuê với giá 17 triệu đồng/tháng để bán thuốc tây. Tuy nhiên, tôi không đồng ý mà mở lớp học tình thương. Có lẽ kiếp trước tôi là “mẹ mìn” nên kiếp này mắc nợ con nít. Hy vọng tôi sẽ trả hết nợ ở kiếp này”, cô Đặng Thị Thu Thảo – chủ lớp học tình thương Phước Thiện (đường Mai Văn Vĩnh, Q.7, TP.HCM) bắt đầu câu chuyện…
1. Nhà nghèo nên cô bé Thu Thảo cũng chỉ được học hết cấp 2 rồi nghỉ. Ở nhà Thu Thảo may vá, thêu thùa kiếm tiền phụ mẹ lo cho cuộc sống thường nhật…
Năm 1990, gia đình Thu Thảo dời nhà từ Q.4 về Q.7 (lúc bấy giờ vẫn còn là huyện Nhà Bè) sinh sống. “Lúc đó ở khu này nghèo lắm, đường toàn sình lầy. Tôi hỏi mấy đứa trẻ ở gần nhà có biết chữ không, đứa nào cũng lắc đầu. Nghĩ tới bản thân vì nhà nghèo không được học hành đến nơi đến chốn nên không có nghề nghiệp ổn định, tôi thấy lo cho mấy đứa nhỏ. Sợ rằng tương lai của chúng sẽ rất mờ mịt. Thế là tôi quyết định mở lớp xóa mù, có bao nhiêu chữ trong đầu tôi đem ra dạy hết cho đám trẻ. Lớp học nho nhỏ nằm ngay trong nhà, vậy mà cũng thu hút được gần 30 đứa trẻ trong xóm tới học. Lớp học mỗi ngày mỗi đông, tôi tìm đến Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè gặp thầy Trưởng phòng xin mở lớp học tình thương. Và tôi được hỗ trợ nhiệt tình, nhất là về chuyên môn. Lớp học tình thương Phước Thiện ra đời từ đó. Chớp mắt một cái mà cũng đã hai mươi mấy năm rồi…”, cô Thu Thảo bồi hồi nhớ lại.
Học trò của cô giáo Thu Thảo hầu hết là con nhà nghèo, cha làm phụ hồ, mẹ làm ôsin, bán vé số. Những ông bố, bà mẹ nghèo xác xơ này ngày qua ngày chỉ mong sao kiếm đủ miếng cơm, manh áo để các con bớt đói, bớt rách chứ chưa dám nghĩ đến việc cho chúng đi học. Nay, cô Thu Thảo mở lớp học tình thương dạy cho con cái họ biết chữ mà không nhận bất kỳ đồng tiền nào, họ mừng lắm. Nhưng cũng chỉ biết nói hai chữ “cám ơn”, chứ chẳng giúp gì được cho cô giáo. Ngay cả sách, tập, bút, họ cũng không có tiền để mua cho con. Bởi vậy, cô giáo Thu Thảo ngoài việc dạy miễn phí cho đám học trò nghèo còn tặng sách, tập và viết cho các em nữa.
Ngày ấy, đất nước còn khó khăn, trường phổ thông còn thiếu sách, thiếu tập nói gì là lớp học tình thương của cô giáo Thu Thảo. Thế là ngày thì cô lên lớp dạy học cho đám trẻ, tối cô lại chong đèn chép bài từ sách giáo khoa vào tập vở cho học trò để hôm sau chúng có cái mà học.
Và đến hôm nay, rất nhiều đứa trẻ trong cái lớp học thiếu thốn đủ thứ ấy đã nên người, đã trở thành những công dân tốt. Thậm chí có một số em vì mê cô giáo Thu Thảo mà đã chọn nghề giáo. Cụ thể là Nguyễn Ngọc Thơm (hiện đang học sư phạm tại Trường ĐH Sài Gòn). Mỗi ngày, một buổi đi học, một buổi Thơm tới lớp học tình thương Phước Thiện giúp cô Thu Thảo truyền đạt kiến thức cho những đứa trẻ nheo nhóc như Thơm ngày xưa. Hay như cô Nguyễn Thị Lệ Hoa, khoảng 20 năm trước, những con chữ đầu đời của cô đã được học từ lớp học tình thương của cô giáo Thu Thảo. Bây giờ cô Lệ Hoa tới đây để trao cho đám trẻ những kiến thức đầu tiên trong cuộc đời…
Cô Đặng Thị Thu Thảo dạy HS làm toán
|
2. Tôi tìm đến lớp học tình thương Phước Thiện vào một ngày giữa tháng 11. Chỉ còn mấy ngày nữa là tới Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) nhưng ở lớp học tình thương Phước Thiện hoàn toàn không có không khí của ngày này như ở các trường học bình thường khác. Không băng rôn, không cờ và cũng không hoa, chỉ có những đứa trẻ… nhìn là biết con nhà nghèo.
Năm học này, lớp học tình thương Phước Thiện có 52 HS từ lớp 1 đến lớp 4. Phần lớn HS đều không có hộ khẩu, sổ tạm trú ở TP.HCM mà là dân tỉnh theo cha mẹ lang thang lên Sài Gòn kiếm sống. Bên cạnh đó cũng có một số HS hộ khẩu TP.HCM nhưng lại không có nhà, sống nhờ ở tạm hết nơi này đến nơi khác. Chẳng hạn như trường hợp của hai anh em Huỳnh Công Phát (9 tuổi) – đang học lớp 3 và Huỳnh Công Đạt (7 tuổi) – đang học lớp 2. Khoảng 15 năm trước, mẹ của hai cậu bé từ Cần Thơ lên TP.HCM bán vé số. Tại đây người phụ nữ này đã gặp một người đàn ông là người Sài Gòn nhưng không có nhà, nay ở nơi này mai ở nơi khác. Rổ rá cạp lại mà sống, rồi họ sinh ra 3 đứa con. Chồng thì làm phụ hồ, trong quá trình lao động chẳng may bị tai nạn hỏng mất một mắt. Còn vợ bán vé số kiếm từng đồng bạc lẻ. Số tiền họ kiếm được không đủ cho cả nhà 5 miệng ăn, nói gì đến chuyện cho các con tới trường. May thay họ gặp được cô giáo Thu Thảo nên đưa 3 đứa con tới để cô dạy chữ cho chúng. Đứa lớn là Huỳnh Công Danh, sau khi học xong tiểu học ở lớp học tình thương đã được lên lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Thị Thập. Lúc đó: “Mẹ của Danh nói với tôi: “Em sẽ cho cháu nghỉ học ở nhà đi bán vé số, chứ nó đi học em không có tiền đóng”. Tôi gạt ngay: “Cứ cho thằng nhỏ đi học, tiền học tôi lo. Tôi sẽ lo đến khi nào không thể lo được nữa thì thôi”. Đến bây giờ thì thằng nhỏ đã học lớp 9 rồi…”, cô giáo Thu Thảo kể lại.
Trong lớp học của cô giáo Thu Thảo còn có em Diễm. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà cha mẹ em hầu như bỏ mặc con cho cô giáo. Thậm chí khi thấy Diễm cứ phải nheo mắt lúc nhìn lên bảng, cô Thu Thảo kêu gia đình đưa em đi khám. Sau khám phát hiện Diễm bị cận rất nặng, bác sĩ trách: “Con bị cận nặng thế này sao bây giờ anh mới mang cháu tới khám”, cha của Diễm trả lời tỉnh queo: “Nếu cô giáo của con bé không nói thì tôi cũng không biết mà đưa nó đi khám đâu”…
Những học trò của cô giáo Thu Thảo không chỉ thiếu thốn cơm ăn, áo mặc mà còn thiếu cả sự quan tâm chu đáo của cha mẹ. “Cũng khó trách những ông bố, bà mẹ này lắm, bởi họ đâu có muốn vậy, trăm sự là do hoàn cảnh đói nghèo mà ra”, cô Thu Thảo nói với tôi mà cứ như đang tự an ủi bản thân mình.
Bài, ảnh: Kim Anh
Cô Đặng Thị Thu Thảo cho biết: “Nếu không nói ra thì không ai biết bé Phát, bé Đạt, bé Diễm… học ở lớp học tình thương Phước Thiện. Bởi, ngoài các môn năng khiếu như tiếng Anh, thể dục, nhạc, họa thì HS ở đây học y như HS trong các trường tiểu học. Mỗi năm, các em cũng tham gia 4 kỳ thi (2 kỳ thi học kỳ và 2 kỳ thi giữa học kỳ), đề thi của Trường Tiểu học Tân Quy (Trường được Phòng GD-ĐT Q.7 giao nhiệm vụ phụ trách chuyên môn lớp học tình thương Phước Thiện – PV). Học bạ của các em do Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Quy xác nhận. Học xong tiểu học, các em cũng được phân tuyến lên THCS như những HS bình thường khác”. |
Bình luận (0)