Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hơn 280.000 HS Đà Nẵng dự lễ khai giảng trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 5-9, cùng với HS cả nước, hơn 280.000 HS trên toàn TP.Đà Nẵng đã dự lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến.


Lãnh đạo Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng 2 tân Phó Chủ tịch UBND TP

Mặc dù không được trực tiếp đến trường dự lễ khai giảng năm học mới như các năm trước nhưng các em học sinh vẫn rất háo hức. Ngay từ sớm, học sinh đã mang trang phục chỉnh tề, bật tivi hoặc máy tính, điện thoại để chờ đến giờ khai giảng và gặp mặt giáo viên chủ nhiệm cùng bạn bè đầu năm học.

Đúng 7 giờ sáng 5-9, chương trình tọa đàm “Đà Nẵng – Chào năm học mới” được phát trên sóng DanangTV. Cùng với lời chúc mừng năm học mới của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh gửi đến ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh, công tác năm học mới 2021-2022 cũng được triển khai. Sau 30 phút tọa đàm, chương trình khai giảng trực tuyến do các trường đồng loạt thực hiện đến với học sinh trường mình. Sau lễ khai giảng, vào lúc 8 giờ sáng, các em học sinh bắt đầu giao lưu, gặp gỡ trực tuyến với giáo viên chủ nhiệm và bạn bè lớp mình thông qua group do giáo viên chủ nhiệm phụ trách.

Trước đó, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã đến trường trang trí để tạo không khí vui tươi cho ngày khai giảng.

Năm học mới 2021-2022, TP.Đà Nẵng có 288.600 học sinh, trong đó bậc Mầm non 71.280 học sinh; bậc TH có 217.320 học sinh; bậc THCS có 72.320 học sinh và bậc THPT có 35.745 học sinh.


Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm- Hiệu trưởng Trường MN Bình Minh (Đà Nẵng) trang trí trường chào đón học sinh ngày khai giảng


Các cháu mầm non vui tươi đón khai giảng qua màn hình máy tính, điện thoại ngay tại nhà

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng – cho biết việc dạy – học trực tuyến là một hình thức hỗ trợ chứ không phải là hình thức chủ đạo nên ngày 23-8, Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 2478/SGDĐT-GDTrH về tổ chức hoạt động chuyên môn đầu năm học, xác định thời gian đầu sau khai giảng (khoảng 2 tuần), việc dạy – học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa (SGK), phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ; sau đó, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy – học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các trường khảo sát tình hình học sinh (về SGK, đồ dùng học tập, trang phục, điều kiện học trực tuyến…) để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các em cũng như báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền hỗ trợ học sinh trong việc học trực tuyến.


Học sinh TP.Đà Nẵng dự lễ khai giảng trực tuyến

Đối với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến (điều kiện về máy móc, đường truyền, là F0 đang điều trị, F1 đang cách li tập trung…), các trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình (Nội dung do Bộ GD-ĐT thực hiện, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) và Sở GD-ĐT trang trao đổi để phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng); hướng dẫn giáo viên (đặc biệt là giáo viên lớp 1, lớp 2) gửi bài giảng, bài tập đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… để phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh. Giáo viên cũng có thể gửi tài liệu giấy để hướng dẫn học sinh học tập (khi điều kiện cho phép). Những em học sinh này khi đi học lại sẽ được khảo sát, đánh giá kĩ để có hình thức hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các em theo kịp chương trình.

Khi học sinh đến trường để học trực tiếp, Sở GD-ĐT cũng sẽ có hướng dẫn các trường việc rà soát, củng cố kiến thức qua thời gian học trực tuyến hoặc tự học, cũng như cần linh hoạt trong việc thực hiện các quy định về nền nếp, kỉ luật nhà trường, tránh tạo áp lực cho học sinh (như học sinh chưa có đồng phục đầu năm học, thiếu đồ dùng học tập…).

Vĩnh Yên

Bình luận (0)