Ngày 31-7, thí sinh trên cả nước đã hoàn tất đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ (khối sư phạm) năm 2019. Thống kê của Bộ GD-ĐT, đến 17 giờ ngày 31-7, cả nước có 288.303 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trong tổng số 653.278 thí sinh đăng ký xét tuyển.
Cán bộ tuyển sinh hướng dẫn thí sinh tra cứu thông tin về tuyển sinh, điều chỉnh nguyện vọng… xét tuyển vào các trường
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng dành thời gian cho thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng “nháp” để các em làm quen với thao tác, tránh sai sót khi thực hiện trên thực tế, bởi theo quy định, các em chỉ được điều chỉnh nguyện vọng duy nhất một lần. Đây là năm tiếp theo thí sinh cả nước thực hiện đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ cùng lúc với đăng ký dự thi THPT quốc gia với số lượng nguyện vọng không giới hạn.
Điều chỉnh trực tuyến vẫn chiếm ưu thế
Trong số 288.303 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng của cả nước có 63.043 thí sinh điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu. Với phương thức này, thí sinh được tăng số lượng nguyện vọng và phải đóng lệ phí cho số nguyện vọng tăng. Mặc dù đã chốt hạn trước đó, nhưng phương thức điều chỉnh trực tuyến năm nay vẫn đông gấp nhiều lần phương thức điều chỉnh trực tiếp tại các trường. Cụ thể, cả nước có 225.260 thí sinh điều chỉnh trực tuyến, đây là số thí sinh chỉ điều chỉnh chứ không thêm số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Bên cạnh đó, có 52 thí sinh điều chỉnh khu vực ưu tiên và 81 thí sinh điều chỉnh đối tượng ưu tiên.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hoạt động xét tuyển và lọc ảo sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-8. Các nhóm xét tuyển có kế hoạch đồng bộ với kế hoạch xét tuyển của Bộ GD-ĐT. |
Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019, cả nước có 489.637 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 7% do các trường kiểm định xác định theo năng lực, trong đó khối sư phạm có 46.285 chỉ tiêu, tương đương 73% nhu cầu của các tỉnh. Trong khi chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia tương đương năm 2018 thì chỉ tiêu xét các phương thức khác như học bạ, đánh giá năng lực… tăng 36.000 so với năm trước.
Năm nay cả nước có 653.278 thí sinh đăng ký tổng số 2.575.305 nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ (khối sư phạm), đạt tỷ lệ 73,6%. Tỷ lệ đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ của thí sinh cả nước tương đối ổn định trong 3 năm trở lại đây, cụ thể, năm 2019 là hơn 73%, năm 2018 là 74% và 2017 cũng gần 74%.
Công bố kết quả xét đợt 1 vào ngày 9-8
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hoạt động xét tuyển và lọc ảo sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-8. Các nhóm xét tuyển có kế hoạch đồng bộ với kế hoạch xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Năm nay, nhóm xét tuyển phía Bắc có 53 trường tham gia, nhóm phía Nam có 90 trường. Danh sách dự kiến trúng tuyển các trường tải lên hệ thống, phần mềm lọc ảo lần cuối vào ngày 8-8. Sau đó, trường công bố danh sách trúng tuyển cùng thang điểm xét tuyển và tiêu chí phụ. Thời hạn các trường công bố kết quả xét đợt 1 vào ngày 9-8.
Bộ GD-ĐT thanh tra công tác tuyển sinh 4 trường ĐH Ngày 30-7, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTr về việc thanh tra công tác tuyển sinh ĐH năm 2019. Theo đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thanh tra 4 trường gồm: Trường ĐH Nội vụ Hà Nội; Trường ĐH Lâm nghiệp; Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM và Trường ĐH Bạc Liêu. Nội dung thanh tra tập trung vào việc xây dựng và công khai đề án tuyển sinh của trường; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; việc tổ chức tuyển sinh. Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT thành lập sẽ tiến hành thanh tra, bắt đầu từ ngày 1-8, kéo dài 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định.
Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng |
Theo đại diện các trường ĐH, sau khi có kết quả, nếu trúng tuyển, thí sinh cần nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học. Trường hợp không xác nhận nhập học coi như thí sinh từ chối cơ hội nhập học và được quyền xét nguyện vọng tiếp theo. Các thí sinh khi trúng tuyển và làm thủ tục nhập học cần tham khảo kỹ quy định tại các trường. Những em không trúng tuyển có thể đợi xét nguyện vọng tiếp theo bằng điểm thi THPT quốc gia ở các trường còn chỉ tiêu hoặc bằng các hình thức khác, đặc biệt là hình thức xét học bạ.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học các trường năm nay và cả năm ngoái lên cổng thông tin tuyển sinh của bộ để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường. Cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, đồng thời xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.
Mê Tâm
Bình luận (0)