Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hơn 300 cơ sở đào tạo nghề tại TP.HCM sẽ được sắp xếp lại ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đến năm 2025, TP.HCM sẽ sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường CĐ hoặc sáp nhập trường CĐ hoạt động không hiệu quả vào trường CĐ đang hoạt động hiệu quả nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết thành phố đã xây dựng đề án quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn đến năm 2030, với phương án sáp nhập các trường CĐ và trung cấp nhằm giảm đầu mối quản lý, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích và quy mô tuyển sinh theo quy định, giảm trùng lắp ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Hơn 300 cơ sở đào tạo nghề tại TP.HCM sẽ được sắp xếp lại ra sao? - ảnh 1

TP.HCM sắp xếp lại các trường CĐ, trung cấp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp để tập trung vào chất lượng đào tạo. MỸ QUYÊN

"Giảm số lượng đầu mối cơ sở GDNN công lập thành phố quản lý trên cơ sở sáp nhập các cơ sở GDNN không đảm bảo diện tích, quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, đến năm 2025 sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường CĐ hoặc sáp nhập trường CĐ hoạt động không hiệu quả vào trường đang hoạt động hiệu quả. Đến năm 2030, sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường CĐ", ông Lâm cho hay.

Cụ thể, khu vực Huyện Củ Chi, Hóc Môn và Q.12 sẽ sáp nhập 4 trường trung cấp theo phương án hình thành trường CĐ ở khu vực này. Khu vực Huyện Bình Chánh, Q.8 và Q.Bình Tân sẽ sáp nhập 2 trường. Các trường thuộc khu vực Q. Bình Thạnh, Q.3, Q.Phú Nhuận cũng sáp nhập làm một.

Trong khi đó, 2 trường ở khu vực Q.Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, 2 trường CĐ và 3 trường trung cấp khu vực quận 1, 4, 5 cũng sẽ được sáp nhập. Riêng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM do tính đặc thù ngành nghề, đề xuất phương án giữ nguyên, đồng thời có phương án tăng quy mô diện tích theo quy định.

Tại khu vực Q.7, các Huyện Nhà Bè, Cần Giờ sẽ sáp nhập trường CĐ vào trường trung cấp, khu vực các Q.6, 10, 11 sáp nhập 2 trường CĐ và 1 trường trung cấp.

Đối với các trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ nghiên cứu phương án sắp xếp theo hướng sáp nhập 3 trung tâm theo mỗi khu vực, số lượng còn lại sau khi sáp nhập là 8 đơn vị.

"Đối với các cơ sở GDNN ngoài công lập, các cơ sở này phải tự sắp xếp để đảm bảo diện tích theo quy định, TP.HCM sẽ có những cơ chế chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành. Riêng các cơ sở GDNN công lập thuộc trung ương quản lý, thành phố kiến nghị các cơ quan chủ quản có phương án sắp xếp nhằm đảm bảo các sở GDNN hoạt động trên địa bàn thành phố tuân thủ đúng các quy định hiện hành", ông Lâm thông tin thêm.

Tính đến cuối năm 2021, TP.HCM có 191 cơ sở GDNN và 152 cơ sở hoạt động GDNN, cụ thể: Khối trường CĐ: 61 trường (49 trường; 2 phân hiệu; 10 địa điểm đào tạo). Trong đó, có 19 trường công lập trung ương, 13 trường công lập địa phương, 29 trường tư thục.

Khối trường trung cấp: 61 trường (gồm: 57 trường; 1 phân hiệu; 3 địa điểm đào tạo). Trong đó có 5 trường công lập trung ương, 14 trường công lập địa phương và 42 trường tư thục.

Khối Trung tâm GDNN-GDTX: 22 Trung tâm (21 trung tâm thuộc 21 quận, huyện và 1 trung tâm thuộc TP.Thủ Đức). Trung tâm GDNN: 47 Trung tâm, trong đó có 3 trung tâm công lập địa phương và 44 trung tâm tư thục. Ngoài ra, có 152 doanh nghiệp (1 công lập và 151 tư nhân) đăng ký hoạt động GDNN, đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thường xuyên.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)