Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hơn 33.000 chỗ học cho thí sinh không đậu lớp 10 công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Không đủ điểm vào lớp 10 công lập, học sinh có thể học nghề – được miễn học phí 100%, hoặc vào các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Hơn 33.000 chỗ học cho thí sinh không đậu lớp 10 công lập - Ảnh 1.

Học sinh, phụ huynh xem danh sách trúng tuyển vào lớp 10 Trường Trần Khai Nguyên chiều 4-7 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Chiều 4-7, sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 năm học 2018-2019, nhiều học sinh đã òa khóc. 

Chị T., mẹ em N.T.H. – học sinh ở quận 3, kể: "Cháu thi được 37,75 điểm và rất hi vọng đậu nguyện vọng (NV) 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 vì điểm chuẩn năm trước là 36,75. Thế nhưng, điểm chuẩn năm nay được sở ấn định là 38, cháu chỉ thiếu 0,25 điểm".

Nhiều trường tăng điểm chuẩn

Tình trạng này xảy ra tương tự với nhiều thí sinh ở Q.1, Bình Thạnh khi đăng ký NV1 vào Trường THPT Gia Định.

"Khi thấy số lượng thí sinh đăng ký vào Trường THPT Gia Định quá đông, rất nhiều bạn lớp em đã hạ NV sang Trường THPT Võ Thị Sáu, em đoán như vậy sẽ dễ thở hơn. Không ngờ cuối cùng trường này vẫn tăng 1,25 điểm so với năm trước và em bị rớt chỉ vì thiếu 0,25 điểm" – T.H., học sinh ở Q.Bình Thạnh, tâm sự.

Theo bảng điểm chuẩn mà sở công bố thì năm nay có 2 trường tăng điểm chuẩn đột biến: Trường trung học Thực hành Sài Gòn, Q.5 tăng 8 điểm (điểm chuẩn năm trước là 24 – năm nay 32) và Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4: tăng 7,75 điểm (năm trước 15 – năm nay 22,75). 

Ngoài ra, những trường tăng điểm chuẩn nhiều là những trường chuyên về thể dục thể thao: Trường THPT Năng khiếu TDTT, Q.1 tăng 3,75 điểm (năm trước 18,5 – năm nay 22,25) và Trường THPT năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định tăng 5 điểm (năm trước 16,5 – năm nay 21,5).

Bên cạnh đó, điểm nổi bật nhất trong mùa tuyển sinh năm nay là nhiều trường ở vùng ven, ngoại thành cũng tăng điểm chuẩn khá nhiều. Điều này cho thấy chất lượng giáo dục ở khu vực này đã có những tín hiệu tích cực. 

Ví dụ Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức tăng 2,75 điểm; Trường THPT Thủ Đức tăng 2,25 điểm; Trường Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh tăng 2,25 điểm; Trường Phước Kiển, huyện Nhà Bè tăng 1,75 điểm; Trường Vĩnh Lộc và An Lạc, Q.Bình Tân tăng 1,5 điểm; Trường THPT Bình Tân, Q.Bình Tân tăng 2 điểm.

Nhiều lựa chọn cho học sinh rớt lớp 10

Hơn 33.000 chỗ học cho thí sinh không đậu lớp 10 công lập - Ảnh 2.

Học sinh lớp 10 Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, Q.5, TP.HCM trong giờ học văn hóa – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong chiều 4-7, rất nhiều phụ huynh, học sinh tỏ ra thất thần sau khi xem điểm chuẩn vào lớp 10. Chị Đ.L. – phụ huynh ở Q.Tân Phú, cho biết: "Con tôi học chỉ ở mức trung bình nên cháu đăng ký NV1 vào ngôi trường mới thành lập là Trường THPT Lê Trọng Tấn dù đường đi từ nhà đến trường khá xa. 

Không ngờ trường mới mà điểm chuẩn cũng cao quá, đến 29,5 điểm. Con tôi thiếu hơn 10 điểm mới vào được trường này. Bây giờ cả 3 NV cháu đều rớt hết. Biết học ở đâu?".

Năm nay, số thí sinh rớt khỏi 3 NV vào lớp 10 công lập là gần 20.000 em. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – khẳng định: "Hiện các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trường nghề, trường THPT tư thục đang tuyển hơn 33.000 học sinh. Hình thức tuyển là xét học bạ bậc THCS chứ không thi tuyển. 

Trong đó, học hệ GDTX thì số môn học ít hơn, bằng tốt nghiệp có giá trị tương đương với hệ THPT và học sinh vẫn được dự thi vào ĐH như học sinh THPT. Nếu học nghề, học sinh sẽ được miễn học phí. Sau khi tốt nghiệp trường nghề và đi làm, học sinh có thể thi liên thông vào bậc ĐH, CĐ".

Năm học 2018-2019, các trung tâm GDTX sẽ thu học phí 120.000 đồng/tháng/học sinh. Bên cạnh đó, đa số các trường THPT tư thục trên địa bàn TP đều có mở lớp 10 bán trú (học từ sáng đến chiều), nội trú (học sinh ở lại trường từ thứ hai đến thứ bảy, chủ nhật mới về nhà), lớp 10 học 2 buổi/ngày (buổi trưa học sinh về ăn uống, nghỉ ngơi, chiều quay lại trường học tiếp). 

Được biết, mức phí ở trường THPT tư thục dao động từ 4 triệu đến 23 triệu đồng/tháng/học sinh tùy theo từng trường và tùy từng loại hình lớp học.

"Học phí cao như thế thì làm sao tôi có thể cho con đi học ở trường tư thục? Một mình tôi phải đi làm nuôi hai đứa con", chị Đ.L. than.

Về vấn đề này, ông Hiếu đưa ra lời khuyên: "Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi khuyên phụ huynh nên cho các em học nghề ở trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Vì theo quy định, học sinh mới tốt nghiệp THCS nếu học nghề sẽ được miễn học phí 100%.

Hiện nay, các trường nghề còn mở thêm những lớp học bổ túc văn hóa dành cho học sinh có nhu cầu. Học sinh có thể học song song hai chương trình: văn hóa và giáo dục nghề nghiệp. Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có chứng chỉ nghề. 

Những năm gần đây, các trường đào tạo nghề cũng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, tăng cường trang thiết bị dạy học và thực hành hiện đại, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều học sinh học văn hóa rất yếu nhưng khi chuyển sang học nghề lại đạt kết quả tốt".

Hạn chót nộp hồ sơ nhập học: 27-7

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh tuyệt đối không được đổi NV sau khi biết điểm thi, điểm chuẩn lớp 10. Sở cũng như các trường THPT đều không nhận đơn cũng như không giải quyết việc xin đổi NV của học sinh và phụ huynh. Các trường THPT chỉ nhận hồ sơ thí sinh có trong danh sách trúng tuyển vào lớp 10 của đơn vị mình.

Các trường THPT sẽ lên kế hoạch nhận hồ sơ học sinh nhập học vào lớp 10 từ ngày 5 đến 27-7.

Hồ sơ nhập học gồm: đơn xin dự tuyển lớp 10 có ghi 3 NV ưu tiên xét vào các trường THPT; phiếu báo điểm tuyển sinh lớp 10 trên đó có ghi 3 NV; học bạ cấp THCS (bản chính); bằng tốt nghiệp THCS (bản chính). Học sinh mới công nhận tốt nghiệp nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp (tạm thời) và nộp bản chính văn bằng vào hồ sơ khi được phòng GD-ĐT cấp phát bằng; bản sao giấy khai sinh hợp lệ; giấy xác nhận được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền cấp.

HOÀNG HƯƠNG/TTO

 

Bình luận (0)