Ngoài điều chỉnh việc đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh vào các trường quân đội năm 2022 cơ bản thực hiện như năm 2021, chỉ có 2 trường có điều chỉnh về ngành đào tạo.
Thí sinh thi vào trường thuộc khối công an, quân đội cần tìm hiểu kỹ, nghe tư vấn để nắm vững thông tin
Cụ thể, Học viện Khoa học Quân sự tuyển sinh đào tạo ngành Quan hệ quốc tế với 11 chỉ tiêu (9 nam, 2 nữ) và Học viện Quân y tuyển sinh 10 chỉ tiêu (thí sinh nam) gửi đi đào tạo ngành Y học dự phòng tại các trường ngoài quân đội.
Điểm chuẩn tuyển nữ thường cao hơn nam
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, năm 2022, tuyển sinh ĐH quân sự có 17 học viện, trường sĩ quan tuyển 4.742 chỉ tiêu đào tạo cán bộ cấp phân đội trình độ ĐH. Tuyển sinh CĐ quân sự chỉ có Trường Sĩ quan Không quân tuyển 80 chỉ tiêu trên cả nước đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật hàng không. Có 15/17 trường quân đội tuyển thí sinh trong cả nước; trừ Trường Sĩ quan Lục quân 1 tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Bình trở ra Bắc và Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Trị trở vào Nam. Năm nay, các trường trong quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo phương án của Bộ GD-ĐT, tổ chức một kỳ thi chung – kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Về đối tượng tuyển sinh, các trường tuyển thí sinh nam gồm nam quân nhân và nam thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tham gia công an nhân dân). Có 3 học viện được tuyển thí sinh nữ (kể cả nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân) là Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quân y và Học viện Khoa học Quân sự. Cụ thể, tuyển 30 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ quân y tại Học viện Quân y; tuyển 24 chỉ tiêu vào Học viện Kỹ thuật Quân sự cho các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học; tuyển 8 chỉ tiêu vào Học viện Khoa học quân sự cho các ngành: Ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Trung Quốc và ngành Quan hệ quốc tế tại (mỗi ngành tuyển 2 chỉ tiêu). Các trường tuyển sinh theo phương thức lấy từ điểm cao nhất xuống đến đủ chỉ tiêu. Do chỉ tiêu tuyển nữ rất ít nên điểm chuẩn thường cao hơn so với điểm chuẩn tuyển nam.
Nhiều tiêu chuẩn cần đáp ứng
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, để được đăng ký dự tuyển vào các trường quân đội, các thí sinh phải đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn liên quan đến 4 nội dung: Lý lịch chính trị, độ tuổi, văn hóa và sức khỏe. Trong đó, về lý lịch chính trị, thí sinh phải đủ các tiêu chuẩn như: Tự nguyện đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội; khi trúng tuyển vào học phải tuyệt đối chấp hành sự phân công công tác của nhà trường và Bộ Quốc phòng; có phẩm chất đạo đức tốt, là Đảng viên hoặc Đoàn viên (có lý lịch chính trị gia đình và bản thân rõ ràng, đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng); thí sinh là quân nhân thì phải được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ. Về độ tuổi, tính đến năm dự tuyển là 2022, thanh niên ngoài quân đội phải có năm sinh từ 2001 đến 2005, không tính tháng sinh; đối với quân nhân tại ngũ, quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân phải có năm sinh từ 1999 đến 2004 mới được đăng ký dự tuyển. Về trình độ văn hóa, Bộ Quốc phòng quy định, tính đến thời điểm xét tuyển, thí sinh đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp; người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định. Về sức khỏe, tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt điểm 1 và điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30-6-2016 của liên Bộ Y tế – Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, theo 8 chỉ tiêu: Thể lực; mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng); tai – mũi – họng; răng – hàm – mặt; nội khoa; tâm thần kinh; ngoại khoa; da liễu và sản phụ khoa (đối với nữ). Bên cạnh các tiêu chuẩn chung nói trên, còn một số tiêu chuẩn quy định riêng cụ thể khác. Đặc biệt, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự các trường quân đội phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng. Nếu không tham gia sơ tuyển thì các em không được tham gia xét tuyển. Thời gian sơ tuyển từ ngày 15-3 đến trước ngày 20-5. Để chủ động trong việc tham gia sơ tuyển, ngay từ thời gian này, những thí sinh có nguyện vọng dự tuyển vào các trường quân đội cần chủ động đến Ban Chỉ huy quân sự quận/huyện để tìm hiểu thông tin và đăng ký sơ tuyển.
Năm 2021, cả nước có trên 24.000 thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển vào các trường trong quân đội. Kết quả, tuyển sinh sĩ quan cấp phân đội trình độ ĐH đạt 98,36% so với chỉ tiêu; tuyển sinh đào tạo CĐ quân sự đạt 98,59% so với chỉ tiêu. Theo thống kê, năm 2021, thí sinh là người dân tộc thiểu số trúng tuyển đào tạo ĐH quân sự tăng so với năm 2020. Tất cả các tỉnh/thành trong cả nước đều có thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1. Các trường hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển sinh năm 2021 gồm: Học viện Khoa học Quân sự, Học viện Phòng không – Không quân, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, Trường Sĩ quan Pháo binh. Các tỉnh có số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều là: Nghệ An (405 thí sinh), Thanh Hóa (334 thí sinh), Hà Tĩnh (268 thí sinh), Nam Định (185 thí sinh), Đắk Lắk (168 thí sinh)… |
Điều chỉnh nguyện vọng theo nhóm trường
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT tại Hội nghị công tác tuyển sinh ĐH năm 2022 diễn ra mới đây, năm 2022, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới đăng ký xét tuyển ĐH. Những thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường quân đội cũng sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2022. Các trường quân đội cho phép thí sinh đã nộp hồ sơ sơ tuyển vào một trường quân đội (nơi các em dự kiến đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1) được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo nhóm trường. Cụ thể, nhóm 1 có 13 trường (không lấy thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị) gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không – Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh. Nhóm 2 có 4 trường (thí sinh được mắc tật cận thị không quá 3 đi-ốp) gồm các học viện: Kỹ thuật Quân sự, Quân y, Khoa học Quân sự, Phòng không – Không quân (hệ kỹ sư hàng không). Ví dụ, khi nộp hồ sơ sơ tuyển, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau đó, khi đăng ký xét tuyển, các em được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sang một trường khác trong nhóm 1, nhưng không được chuyển sang các trường thuộc nhóm 2 và ngược lại.
Bài, ảnh: Việt Ngân
Bình luận (0)