Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hơn 40 doanh nghiệp gỗ nếu bị áp thuế chống bán phá giá: Nguy cơ phá sản hàng loạt

Tạp Chí Giáo Dục

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ “ngồi trên đống lửa” khi Mỹ thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ ép của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa từ chối bản giải thích của gần 40 DN Việt Nam về nội dung điều tra, khiến không ít DN đứng trước nguy cơ phá sản.
Hoang mang
Trao đổi với PV, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, đơn vị này vừa nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) từ chối bản giải của gần 40 DN sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm của Việt Nam cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm với lý do các DN nộp bản giải thích muộn. Do đó, DOC yêu cầu các DN chủ động gỡ bỏ hoặc xóa các tập tài liệu đã nộp trên hệ thống.
Các DN Việt hoang mang trước việc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ ép
Theo ông Hoài, cuối tháng 7/2022, Mỹ công bố kết luận sơ bộ về gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, gỗ dán của DN Việt nhập vào Mỹ được cho là có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu đúng như vậy DN sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Việc DOC từ chối bản giải thích của các DN Việt khiến vụ áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam tăng thêm độ căng thẳng. Các DN Việt hiện rất lo lắng và hoang mang. Đặc biệt, những DN có tên trong danh sách không hợp tác, hoặc phản hồi không đúng của DOC”, ông Hoài chia sẻ.
Theo ghi nhận, trong số 40 DN bị từ chối bản giải thích, có không ít DN xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Thuận An, Saigon River Factory, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), Công ty TNHH Giang Minh…
Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) cho biết, sản phẩm đồ gỗ của Mifaco có hơn 90% xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong hai tháng trở lại đây, do ảnh hưởng thông tin về vụ kiện và tình hình khó khăn từ thị trường, đơn hàng của công ty sụt giảm mạnh. Công ty bắt đầu cắt giảm bớt hoạt động sản xuất.
Theo ông Hiệp, Mifaco là DN uy tín ở trong ngành, đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng với công nghệ sản xuất hiện đại, không dại gì mà chỉ nhập lõi gỗ dán từ Trung Quốc về để chế biến rồi xuất khẩu đi Mỹ. Có chăng tình trạng này xuất hiện ở những DN FDI có nguồn gốc từ Trung Quốc, nở rộ trong thời gian qua. "Khi nhận được thông báo từ Mỹ, DN nộp bản giải thích. Nhưng đây là lần đầu tiên DN tham gia giải thích một vụ kiện chống bán phá giá nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong khai hồ sơ. Hiện, không chỉ Mifaco, các DN ngành gỗ đều mất ăn mất ngủ vì vụ kiện. Chúng tôi đang nhờ các đơn vị tư vấn xử lý lại bản giải thích để gấp rút trả lời phía Mỹ”, ông Hiệp nói.
Liêu xiêu vì giảm doanh thu
Theo VIFOREST, Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 65% tổng trị giá xuất khẩu gỗ, lâm sản). Năm 2021, Mỹ nhập khẩu lượng sản phẩm gỗ, nội thất tương đương khoảng 13,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 9 tỷ USD. Riêng gỗ dán xuất từ Việt Nam đạt khoảng 522 triệu USD.
Khảo sát nhanh 52 DN ngành gỗ do VIFOREST vừa thực hiện cho thấy, trong 45 DN xuất đi Mỹ, hiện có 33 DN thông báo doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Với tình hình thị trường như hiện nay, VIFOREST nhận định xuất khẩu gỗ của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đạm và khó đạt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD.
“Nếu bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, không ít DN đứng trước nguy cơ rơi vào phá sản. Chỉ còn mấy ngày để các DN nộp lại bản giải thích, bình luận. Chúng tôi đang gấp rút hỗ trợ các DN để tham gia điều trần với phía Mỹ, bởi thực sự chúng ta bị oan. Có DN thấy phức tạp bắt đầu nản, nhưng chúng tôi khuyên không nên bỏ cuộc vì còn nước còn tát”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Lãnh đạo VIFOREST cho rằng, đối với vụ kiện phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, Chính phủ cần sớm tổ chức cuộc trao đổi với phía Mỹ, sẵn sàng mời cơ quan chức năng của Mỹ sang Việt Nam để tìm hiểu về quy trình, hoạt động sản xuất của các DN ngành gỗ; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại.
“Chúng ta cần cho họ thấy các DN Việt làm ăn minh bạch, sòng phẳng, không có chuyện DN Việt gian lận. Ngoài ra, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài cần cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều những cảnh báo, khuyến nghị để các hiệp hội, DN thể ứng phó kịp thời”, lãnh đạo VIFORST khuyến nghị.
Trao đổi với PV, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các quốc gia đang có sự điều chỉnh, thay đổi về phòng vệ thương mại. Do đó, khi đứng trước các cáo buộc của nước nhập khẩu, các DN Việt Nam cần tham gia vào quá trình điều tra để hạn chế số lượng DN bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp, nhằm đảm bảo kết quả xuất khẩu. Các DN cố gắng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh “bỏ trứng vào một giỏ” và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán để phục vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Ông Dũng cho biết, Bộ Công Thương đang hỗ trợ các DN làm lại bản bình luận, đồng thời tích cực liên hệ với Bộ Thương mại Mỹ để giải thích và làm rõ thông tin nước này đưa ra.
Dương Hưng (theo tienphong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)