Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 4-10, tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết trong 3 ngày thực hiện chỉ thị 18, TP có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chuẩn bị nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất chuẩn bị cho hoạt động trở lại.


Các đại biểu tham dự buổi họp báo

Cơ sở sản xuất hoạt động trở lại tạo không khí vui tươi

Thông tin về 3 ngày thực hiện chỉ thị 18 của UBND TP.HCM về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết đại bộ phận người dân phấn khởi, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trở lại hoạt động tạo không khí vui tươi. Tuy nhiên, ông Hải nhìn nhận còn một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm quy định của chỉ thị. Trong đó, thực hiện không đúng quy định 5K, tụ tập đông người, xuất hiện bán hàng rong, xếp hàng không đúng theo khoảng cách, lưu thông khi chưa đủ điều kiện.

“Tinh thần chỉ thị 18 là tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và xem công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân là ưu tiên rồi từng bước phục hồi phát triển kinh tế. Người dân phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt, động viên người thân tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. TP chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng trong điều kiện kiểm soát dịch”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, tính đến ngày 3-10, có 17 địa phương đề nghị kiểm soát được dịch, gồm các quận 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và TP.Thủ Đức. 5 đơn vị còn lại, trong đó quận 4, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn chưa có báo cáo; quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa công nhận kiểm soát dịch.

Đặc biệt trong 3 ngày qua, có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất chuẩn bị cho hoạt động trở lại. Theo đó, phía quận, huyện đang làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để nắm thực trạng, phấn đấu tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động và thêm nhiều đơn vị khác.

Cũng theo ông Hải, tính đến 18 giờ ngày 3-10, có 398.056 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. TP đang điều trị cho 27.060 bệnh nhân, trong đó có 2.610 trẻ em dưới 16 tuổi, 724 bệnh nhân nặng đang thở máy. Trong ngày 3-10 có 1.449 bệnh nhân nhập viện; 2.743 bệnh nhân xuất viện, cộng dồn từ 1-1 đến nay là 216.856 người; 93 trường hợp tử vong trong ngày, cộng dồn từ 1-1 đến nay là 15.241 trường hợp.

Từ 18 giờ ngày 2-10 đến 18 giờ 3-10, TP đã lấy 102.760 mẫu xét nghiệm, trong đó có 2.979 mẫu đơn, 73 mẫu gộp và 100.008 mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Đến ngày 3-10, TP triển khai tiêm vắc xin được 11.314.301 mũi, trong đó đạt 6.947.437 mũi 1 và 4.366.864 mũi 2.

Khoảng 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm

Tại buổi họp báo, thông tin về nhu cầu người lao động, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP.HCM cho hay, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực, trong quý 3/2021, có khoảng 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn từ 43.600 – 56.800 người.

Để giải quyết nhu cầu lao động, doanh nghiệp nhắn tin thông báo cho các lao động đã về quê trở lại TP để tiếp tục làm việc và đảm bảo đúng theo Bộ tiêu chí an toàn của doanh nghiệp.

Đối với lực lượng lao động đang sinh sống trên địa bàn TP muốn tìm việc, thì có 127 cơ quan giới thiệu việc làm, trong đó Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM và Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên làm lòng cốt.

“Chúng tôi đang tiến hành khảo sát nhu cầu của người lao động nhằm tư vấn, giới thiệu danh sách cụ thể để người lao động và doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, với chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP, lực lượng học sinh trường trung cấp nghề, sinh viên trường cao đẳng nghề khi ra trường sẽ được nhà trường giới thiệu việc làm đến các doanh nghiệp có nhu cầu”, ông Lâm nói.


Hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại là tín hiệu đáng mừng cho TP.HCM sau thời gian tăng cường giãn cách để phòng chống dịch

Cũng tại buổi họp báo, thông tin về việc phối hợp với các quận, huyện trong giám sát hoạt động các siêu thị, chợ truyền thống, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay, các doanh nghiệp bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp sản xuất… khi muốn hoạt động trở lại phải dựa trên Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch theo Quyết định 3328 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM để thực hiện; đồng thời có thông tin đến chính quyền địa phương để theo dõi.

Khi hoạt động trở lại, các đơn vị này phải đảm bảo đủ các tiêu chí để làm cơ sở cho lực lượng chức năng kiểm tra. Trường hợp vi phạm một trong các tiêu chí của Bộ tiêu chí thì bắt buộc phải dừng hoạt động theo yêu cầu.

Theo ông Tú, Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 ban hành từ 15-9, đến nay Bộ Y tế và các bộ ngành đã có những hướng dẫn mới. Do đó, có một số nội dung không còn phù hợp. Trong chiều hôm nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp để xem xét, điều chỉnh Bộ tiêu chí giúp các doanh nghiệp thuận lợi hoạt động, sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải an toàn.

“TP chưa có chủ trương để các chợ tự phát hoạt động trở lại, thậm chí cả chợ truyền thống và chợ đầu mối. Tuy nhiên chợ truyền thống và chợ đầu mối muốn hoạt động trở lại phải đáp ứng Bộ tiêu chí. Việc kinh doanh tại gia đình nếu thuộc các ngành, lĩnh vực chỉ thị 18 cho phép và có giấy phép đầy đủ thì mới được tổ chức”, ông Tú nói.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)