Theo báo cáo của TAND tối cao, 10% số án bị khiếu tố được xem xét có dấu hiệu oan sai. Ông đánh giá gì về con số này?
Tôi tin rằng ngoài đơn gửi cho tòa án, người ta còn tìm kiếm sự xét lại ở VKS. Nhiều người khiếu nại sẽ gửi đơn đến cả 2 “địa chỉ” Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao những người này đều có thẩm quyền xem xét bản án đã có hiệu lực.
Tỷ lệ án oan sai trong những trường hợp khiếu tố đó, nếu cộng con số ở cả 2 cơ quan này vào sẽ không chỉ là 10% như báo cáo của TAND tối cao mà chắc chắn nhiều hơn. Nếu tỷ lệ vượt 10% thì chất lượng xét xử ở tòa án sơ thẩm rất đáng phải quan tâm.
Đây là tỷ lệ đối với những vụ việc đã được “rà” lại. Thực tế, con số này có khả năng cao hơn, thưa ông?
TAND tối cao cũng báo cáo, hiện còn hơn 6.000 đơn thư chưa được xem xét, hoàn toàn có khả năng vẫn lọt án oan sai. Nếu như các tòa án, VKS cấp tỉnh và tối cao mà không kịp thời xem xét những đơn này thì theo quy định của pháp luật, thời hạn kháng nghị không còn.
Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm hiện quy định chỉ có 3 năm. Vậy sẽ có không ít vụ án khi chúng ta phát hiện ra sai lầm thì thời hạn kháng nghị đã hết, người dân đương nhiên phải chịu án oan sai.
Con số 6.000 đơn thư không phải là nhỏ và trong đó, những bản án oan sai sẽ rất nhiều?
Bây giờ chưa thể khẳng định nhưng cứ lấy con số 10% trong số khiếu tố đã được xem xét thì phải đặt một dấu hỏi rằng, hơn 6.000 lá đơn chưa được xét đến kia tỷ lệ cũng hơn kém không nhiều.
Trên thực tế, đã xảy ra trường hợp phát hiện oan sai khi đã hết thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm, thưa ông?
Con số hơn 6.000 đơn thư làm tôi băn khoăn rất nhiều. Nếu TAND, VKSND tối cao không có chỉ đạo để các đơn vị nghiệp vụ, các đoàn chuyên trách ở các tòa và viện cấp tỉnh quan tâm đến việc này thì chắc chắn sẽ có tình trạng đó xảy ra.
Trong số những vụ việc được xem xét lại, tỷ lệ sai còn lớn như thế thì ở đây sẽ không ít người phải mang một bản án oan sai nhưng cuối cùng vì quy định của pháp luật về thời hạn kháng nghị không có cách gì được minh oan.
Có ý kiến cho rằng, án oan sai nhiều là do việc tăng thẩm quyền xét xử cho TA cấp quận, huyện. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng đấy là một nguyên nhân. Khi tăng thẩm quyền cho tòa cấp huyện, số án được giải quyết theo thẩm quyền cấp huyện tăng lên, như báo cáo của Tòa tối cao là tăng 15%.
Khi đó, tòa án cấp tỉnh xử phúc thẩm cũng tăng theo khoảng 20%. Hệ quả tiếp theo là số người dân khiếu nại, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm cũng sẽ tăng lên.
Chủ trương tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án cấp quận, huyện là đúng đắn nhưng tăng quyền thì cũng phải tăng về số lượng và chất lượng cho đội ngũ cán bộ tòa án, đội ngũ điều tra viên của CQĐT cấp huyện, kiểm sát viên của VKS cấp huyện.
Nếu không đảm bảo được sự đồng bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không bảo đảm được những cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết tối thiểu cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thì chủ trương đúng đắn cũng khó mang lại hiệu quả.
Xin cám ơn ông!
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường: Thi hành án tồn 12%, hơn 300.000 trường hợp Án tồn đọng chưa được thi hành năm nay đã giảm, hiện còn khoảng 12. Nguyên nhân chủ yếu đối tượng chịu án không có tiền nộp phạt, nhiều trường hợp “nợ đọng” cả khoản án phí chỉ 50.000 đồng. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường xác nhận đây là “chuyện tồn đọng” suốt 15 năm nay. Với đề xuất xin xóa bỏ những khoản phạt dưới 500.000 đồng, số án tồn đọng phải thi hành có thể giảm khoảng 100.000 trường hợp, giải quyết được 30% số tồn. Bộ trưởng Cường cũng cho biết, năm 2001, Thủ tướng chỉ đạo giao việc đốc thúc thi hành những khoản phạt này cho chính quyền cấp xã, số tiền thu được để bổ sung cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, việc này sau đó cũng gặp nhiều khó khăn, không thực hiện được, Bộ tư pháp lại tiếp quản. Về vấn đề chuyển việc quản lý trại giam (thi hành án phạt tù), cơ sở giáo dưỡng từ Bộ Công an về Bộ tư pháp, ông Cường cho biết cuối năm 2009 sẽ trình tiếp đề án với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ để xem xét. |
P.Thảo (ghi) – dantri.com.vn
Bình luận (0)