Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo “Lồng ghép việc làm bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam thời kỳ 2011-2020” do Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tổ chức ngày 27/8 tại Hà Nội.
Cơ cấu lao động đã có sự chuyển hướng tích cực với tỷ lệ lao động nông-lâm-ngư nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm – Ảnh: Việt Tuấn |
Theo thống kê của Viện Chiến lược phát triển, trong 10 năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt mục tiêu đề ra (40%) đã tăng từ trên 16% năm 2000 lên 38% năm 2009 và ước đạt 40% năm 2010. Số lao động được giải quyết việc làm khoảng 15,6 triệu người, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu người (7,5 triệu người thời kỳ 2001-2005 và 8,1 triệu người thời kỳ 2006-2010), tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị còn khoảng 4,6%.
Cơ cấu lao động đã có sự chuyển hướng tích cực với tỷ lệ lao động nông-lâm-ngư nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 65,1% năm 2000 xuống 52,6% năm 2008 và dự kiến năm 2010 còn khoảng 50%. Tỷ lệ lao động khu vực công nghiệp-xây dựng tăng từ 13,1% năm 2000 lên 20,8% năm 2008 và dự kiến năm 2010 khoảng 23%. Tỷ lệ lao động khu vực dịch vụ tăng từ 21,8% năm 2000 lên khoảng 27% vào năm 2010.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Ân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, số việc làm được tạo ra hàng năm theo công bố tuy khá lớn, song chủ yếu được tạo ra trong khu vực công việc đơn giản, phổ thông, khu vực thu nhập thấp và khu vực nông nghiệp.
Tỷ lệ thiếu việc làm bình quân chung năm 2008 là 5,1%. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn ở mức cao, năm 2000 là 6,42%, năm 2008 khoảng 4,65%, năm 2010 ước khoảng 4,6%.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Ân, đó chính là do cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý khiến cho chuyển dịch cơ cấu lao động chưa cao. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chậm được cải thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Lao động thủ công, năng suất thấp còn chiếm đa số trong nền kinh tế, lao động qua đào tạo còn ít, hiện còn khoảng 60% lao động chưa qua đào tạo.
Một điểm nữa cũng được ông Ân lưu ý đó chính là an sinh xã hội và phúc lợi xã hội chưa vững chắc, hơn 80% lực lượng lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, lao động qua đào tạo chiếm trên 70%, đào tạo nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%/năm, thu nhập thực tế của người dân gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010… nhiều giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo.
Như tránh bẫy “chi phí lao động thấp” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam. Bởi hệ số co giãn tổng việc làm với GDP của Việt Nam giai đoạn 2004-2008 đạt 0,28; thấp hơn so với các nước trong khu vực (Brunei là 1,27, Singapore là 0,58, Lào là 0,37).
Ngoài ra, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực cũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo ông Nguyễn Bá Ân, cần thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn để phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn.
Nguồn VNECONOMY
Bình luận (0)